Tiến sĩ ĐH Thanh Hoa
Thạch Yên (SN 1984) xuất thân trong một gia đình trí thức ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Từ nhỏ, cô thể hiện rõ sự thông minh, chăm chỉ, thành tích học tập luôn nằm trong top đầu. Suốt 12 năm học, cô đều đạt được thành tích tốt.
Năm 2002, Thạch Yên tham gia kỳ tuyển sinh ĐH và đạt được điểm cao. Với số điểm của cô lúc bấy giờ, có thể vào trường ĐH danh giá top đầu. Tuy nhiên, cô lại chọn ĐH Nông nghiệp Hà Bắc chuyên ngành Nông nghiệp. Sự lựa chọn này bắt nguồn từ trải nghiệm thời thơ ấu của Thạch Yên.
Trong quá trình học ĐH, cô giữ chức Chủ tịch Hội sinh viên trường và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Thạch Yên luôn nỗ lực trau dồi bản thân, giành được nhiều học bổng.
Thời gian rảnh, cô tranh thủ làm gia sư tiếng Anh để cải thiện trình độ của bản thân. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Thạch Yên đạt được 91,5 điểm trong kỳ thi CET-4 (kỳ thi tiếng Anh toàn Trung Quốc do Vụ Giáo dục cao đẳng đại học thuộc Bộ Giáo dục tổ chức).
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ĐH, Thạch Yên tiếp tục học lên thạc sĩ tại ĐH Nhân dân Trung Quốc. Hoàn thành chương trình thạc sĩ, cô học tiến sĩ tại ĐH Thanh Hoa.
Chuẩn bị tốt nghiệp tiến sĩ, Thạch Yên được giới thiệu làm nghiên cứu sinh ở Viện Thương mại và Chính sách Nông nghiệp Hoa Kỳ (Mỹ). Mặc dù đã nghiên cứu về nông nghiệp nhiều năm nhưng khi đặt chân đến vùng đất mới, cô cảm thấy mọi thứ đều xa lạ. Trang trại Địa Thăng ở Minnesota, Mỹ - nơi Thạch Yên nghiên cứu, khác với các trang trại truyền thống.
Thời điểm đó, đất nước này chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, nên các loại thuốc hóa học đều bị cấm sử dụng. Điều này, đồng nghĩa với việc cường độ lao động bằng sức người phải lớn hơn.
Thạch Yên làm việc từ 7h đến 17h mỗi ngày với áp lực lớn. Mặc dù vất vả, nhưng làm việc tại đây cô tích lũy được nhiều kiến thức nông nghiệp.
Cô lần đầu được tiếp cận mô hình nông nghiệp CSA. Mô hình kết nối người sản xuất và người tiêu dùng trong chuỗi thực phẩm, tại đây người tiêu dùng sẽ đăng ký sản phẩm trước với nông trại. Sau nửa năm nghiên cứu thực địa tại Mỹ, cô quyết định về nước.
Tiến sĩ bỏ phố về quê làm nông nghiệp
Từ Mỹ trở về, nhiều người tưởng rằng Thạch Yên sẽ làm việc tại Viện nghiên cứu hoặc công ty. Nhưng cô quyết định về quê xây dựng trang trại theo mô hình CSA. Nữ tiến sĩ về quê làm nông ở tuổi 30 khiến nhiều người phản đối, trong đó có bố mẹ cô.
Bất chấp sự phản đối của họ, Thạch Yên vẫn quyết định thực hiện. Cô thuê một khu đất rộng và thành lập trang trại tên 'Little donkey', chuyên về sản phẩm nông nghiệp sạch, không sử dụng hóa chất.
Sau một thời gian trang trại thành lập, cô thu hút được 54 thành viên tham gia đến trồng rau hữu cơ. Về sau, số lượng người tham gia vào mô hình CSA lên đến 600.
Trước đó, khi tham dự Hội nghị CSA toàn cầu lần thứ 6 tổ chức tại Bắc Kinh, cô hy vọng nhiều người biết đến mô hình CSA. Thạch Yên tin rằng sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.
Để không dùng thuốc hoá học trong trang trại, cô thả ong vào nhà kính để thụ phấn, trồng tỏi xen lẫn dâu tây đuổi côn trùng. Thạch Yên hình thành hệ sinh thái khép kín động vật và thực vật, thu hoạch được 2 vụ/năm.
Thu về 26,4 tỷ đồng/năm
Năm 2016, Thạch Yên được vinh danh là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Geneva công bố. Cô là một trong 121 người trẻ dưới 40 tuổi đạt thành tích nổi bật ở nhiều lĩnh vực.
Sau một thời gian hoạt động, trang trại của Thạch Yên đã phân phối trái cây và rau cho hơn 1.500 gia đình. Đặc biệt cô còn thành lập được liên minh sinh thái ở khắp 16 tỉnh thành trên cả nước. Theo ước tính, thu nhập mỗi năm của Thạch Yên hơn 8 triệu NDT (26,4 tỷ đồng).
Việc xây dựng mô hình CSA của Thạch Yên tại vùng quê nghèo đã giúp bà con đổi đời. Cô thu hút các hộ gia đình cùng trồng rau, thu hoạch, tiền bán rau giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài trồng rau, trang trại của cô còn nuôi lợn, gà.
Với cô, làm nông nghiệp không có ngày nghỉ. Trong tuần, Thạch Yên và chồng luôn có mặt ở trang trại để trò chuyện với mọi người về công việc và quan sát các loại cây trồng.
Chia sẻ với truyền thông, cô cho biết yêu thích cuộc sống hiện tại. "Tôi từng đi học và thực sự muốn có cơ hội để thực hành", Thạch Yên nói.
Gắn bó với nông trại, đam mê nông nghiệp hơn 10 năm câu chuyện nữ tiến sĩ bỏ phố về quê làm nông thu nhập cao là nguồn cảm hứng cho nhiều người.
Theo Sohu