Theo New York Times, BlockFi - một startup tài chính ở thành phố Jersey (bang New Jersey, Mỹ) - muốn trở thành JPMorgan Chase của tiền mã hóa. Công ty cung cấp các thẻ tín dụng, khoản vay và tài khoản sinh lãi.
Nhưng thay vì giao dịch chủ yếu bằng đồng USD, BlockFi thuộc về thế giới tiền thuật toán đang phát triển như vũ bão. Được thành lập vào năm 2017, BlockFi có giá trị vốn hóa khoảng 10 tỷ USD, 850 nhân viên và 450.000 khách hàng cá nhân.
Cô Flori Marquez, 30 tuổi, nhà sáng lập của BlockFi, cho biết khách hàng có thể vay trong vài phút và không cần kiểm tra tín dụng.
Nhưng đối với các cơ quan quản lý, sự xuất hiện của tiền mã hóa trong lĩnh vực ngân hàng là một vấn đề đáng báo động. Công nghệ đang phá vỡ thế giới dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng và khó lường đến mức những quy định hiện hành bị tụt lại phía sau. Điều này có thể làm tổn thương người tiêu dùng và thị trường tài chính.
Ngành công nghiệp tiền mã hóa đang làm đảo lộn thế giới dịch vụ tài chính truyền thống một cách nhanh chóng. Ảnh: New York Times. |
Các "ngân hàng ngầm"
Trong những tháng qua, các quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gấp rút bắt kịp những thay đổi nhanh chóng và tìm cách hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn từ ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Các quan chức liên bang và chính quyền địa phương cũng cảnh báo về nguy cơ lừa đảo và tin tặc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tiền mã hóa.
Tháng trước, nền tảng tiền mã hóa PolyNetwork đã mất 600 triệu USD tài sản của khách hàng vào tay tin tặc. "Chúng ta cần thêm quy định để ngăn chặn việc các giao dịch, sản phẩm và nền tảng lọt vào lỗ hổng quy định", ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), nhấn mạnh.
"Chúng ta cũng cần nhiều nguồn lực hơn để bảo vệ nhà đầu tư trong lĩnh vực đang phát triển đầy biến động này", ông khẳng định.
SEC đã tạo một văn phòng độc lập chuyên thực hiện các cuộc điều tra về tiền mã hóa và những tài sản kỹ thuật số khác. New York Times nhận định có thể mất ít nhất 1 năm để Quốc hội Mỹ thông qua quy định mới. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể ban hành những hướng dẫn tạm thời nhằm quản lý ngành công nghiệp.
BlockFi cũng bị nhắm đến. Các cơ quan quản lý ở 5 bang đã cáo buộc công ty vi phạm luật chứng khoán địa phương.
Chủ tịch FED Jerome H. Powell bày tỏ lo ngại về ngành công nghiệp tiền mã hóa đang phát triển nhanh. Ảnh: New York Times. |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen và Chủ tịch FED Jerome H. Powell cũng bày tỏ lo ngại, ngay cả khi FED và các ngân hàng trung ương khác đang nghiên cứu về tiền kỹ thuật số của riêng mình.
"Tiền mã hóa là ngân hàng ngầm mới", Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chỉ trích. "Chúng cung cấp các dịch vụ giống nhau, không có những biện pháp bảo vệ người dùng hay sự ổn định tài chính của hệ thống truyền thống", bà nói thêm.
"Chúng chẳng khác gì biến rơm thành vàng", bà Warren bình luận.
Theo các nhà lập pháp, không phải lúc nào người dùng cũng có nhận thức đầy đủ về mối nguy tiềm ẩn của các dịch vụ tiền mã hóa và nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi).
Các tài khoản tiền gửi tiền mã hóa không được bảo hiểm hay đảm bảo nếu thị trường biến động.
Sự tăng trưởng phi thường của BlockFi và việc các cơ quan quản lý siết chặt kiểm soát đã cho thấy con đường không dễ dàng của những công ty dịch vụ tài chính tiền mã hóa.
Các cơ quan quản lý lo ngại
Hoạt động kinh doanh của BlockFi không khác hoạt động kinh doanh của một ngân hàng thông thường. Công ty nhận tiền gửi, trả lãi, cho vay bằng đồng USD và nhận thế chấp bằng tiền mã hóa. BlockFi cũng cho vay tiền mã hóa.
Người dùng có thể vay USD lên đến 50% giá trị tài sản thế chấp bằng tiền mã hóa của họ. Như vậy, khách hàng nhận tiền mặt mà không cần chịu thuế bán tài sản kỹ thuật số, hoặc tận dụng để mua thêm tiền mã hóa.
Công ty cũng trả lãi 8%/năm cho những khoản tiền gửi tiền mã hóa. Trong khi đó, lãi tiền gửi trung bình tại các ngân hàng Mỹ vào tháng 8 là 0,06%.
BlockFi không phải là một ngân hàng. Do đó, công ty không phải chịu khoản chi phí lớn liên quan đến duy trì dự trữ bắt buộc và tuân theo những quy định khác áp lên các nhà băng.
Không giống các ngân hàng, BlockFi cũng không cần kiểm tra điểm tín dụng của khách hàng. Bởi công ty dựa vào giá trị tài sản thế chấp tiền mã hóa của người dùng.
BlockFi không phải chịu khoản chi phí lớn liên quan đến duy trì dự trữ bắt buộc và tuân theo những quy định khác áp lên các ngân hàng. Ảnh: New York Times. |
Công ty thuê các nhân viên từ London đến Singapore. Những nhà đầu tư nổi tiếng như Bain Capital, Winklevoss Capital và Coinbase Ventures cũng đổ tiền vào BlockFi. Startup đã huy động được ít nhất 450 triệu USD.
Nhưng dịch vụ của BlockFi rất đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý. Chính quyền California thậm chí khuyên công ty đăng ký giấy phép cầm đồ.
Nguyên nhân là các khách hàng thế chấp tiền mã hóa để vay tiền, chẳng khác gì đưa một chiếc đồng hồ cho tiệm cầm đồ và đổi lấy tiền mặt.
Nhà sáng lập Marquez đã thuyết phục các cơ quan quản lý ngân hàng của bang rằng BlockFi đủ tiêu chuẩn trở thành một bên cho vay.
Công ty hiện sở hữu giấy phép ở ít nhất 28 bang với 450.000 khách hàng. Trong 3 tháng đầu năm, giá trị tiền mã hóa mà BlockFi nắm giữ đã tăng từ 4,4 tỷ USD lên 14,7 tỷ USD.
Sự phát triển thần tốc của BlockFi đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Tổng chưởng lý New Jersey Andrew J. Bruck gửi cho công ty một bức thư yêu cầu "ngừng hoạt động và hủy đăng ký".
"Không công ty nào không phải trả tiền chỉ vì họ hoạt động trong thị trường tiền mã hóa", ông Andrew J. Bruck nhấn mạnh.
Theo những giám đốc điều hành trong ngành, nỗi lo ngại về sự an toàn và ổn định của tài sản kỹ thuật số đã bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý liên bang vẫn đang tìm cách theo kịp những phát triển mới nhất.
Tổng vốn hóa của thị trường stablecoin đã tăng vọt từ 3,3 tỷ USD hồi tháng 1/2019 lên 117 tỷ USD vào đầu tháng 9. Điều này khiến các nhà quản lý lo ngại. Stablecoin là những đồng tiền mã hóa được neo với các đồng như USD hay EUR.
"Loại tiền này được người dùng coi là tiền gửi ngân hàng một cách hiệu quả", ông Lee Reiners, cựu giám sát viên tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York, nhận định.
"Nhưng chúng không giống các khoản tiền gửi thực tế, không được Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ bảo hiểm. Nếu chủ tài khoản bắt đầu lo ngại về việc không thể rút tiền ra, một đợt rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng sẽ được kích hoạt", ông cảnh báo.
Theo nhiều người, việc phát hành đồng USD kỹ thuật số sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ sinh thái tiền mã hóa.
"Các vị sẽ không cần stablecoin hay tiền mã hóa, nếu có tiền kỹ thuật số của Mỹ", Chủ tịch FED Powell khẳng định hồi tháng 7.
(Theo Zing)
Vượt mốc nhạy cảm, Bitcoin tăng lên sát 1,2 tỷ đồng
Bitcoin có một tuần tăng giá mạnh, lên ngưỡng 51.000 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5. Các đồng tiền mã hóa khác tăng giá mạnh, kéo theo tổng giá trị vốn hóa của thị trường lên cao.