Vậy, xử lý bài toán này ra sao trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động?

Sau 3 lần tiếp thu và chỉnh lý, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Trưởng Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động 2012, đã có báo cáo gửi Uỷ Ban thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội. 

Tăng thu nhập - giảm sức khoẻ

Liên quan tới vấn đề tiền lương, một số đại biểu quốc hội đã đề nghị quy định cụ thể mức lương lũy tiến làm thêm giờ trong dự thảo Bộ luật.

Đánh giá về đề xuất trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đây là một vấn đề mới và cần xem xét nhiều chiều.

{keywords}
Nên hay không áp quy định tiền lương luỹ tiến làm thêm giờ? (Ảnh minh hoạ)

Phân tích của Ban soạn thảo cũng cho thấy, sự xuất hiện của cả tỉ lệ nghịch và thuận về lợi ích của các bên khi áp dụng quy định trên.

Với quy định mức lương làm thêm giờ cao như hiện nay và nếu áp dụng thêm cách tính lũy tiến sẽ đồng nghĩa với việc kích thích người lao động mong muốn làm thêm nhiều giờ để có nhiều thu nhập.

Tuy nhiên điều này lại không đạt được mục tiêu bảo vệ được sức khỏe cho người lao động. Về lâu dài, việc lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng làm việc và người lao động.

Về góc độ doanh nghiệp, quy định mức lương làm thêm giờ lũy tiến gây khó cho doanh nghiệp bởi phải cân nhắc chi phí tổ chức làm thêm giờ trong bối cảnh tỷ lệ lao động chuyển việc cao.

Đơn cử như đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ nhảy việc của lao động Việt Nam mỗi năm vào khoảng 30%. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng doanh nghiệp phải tuyển mới thay thế khoảng 30% trong năm.

Việc này dẫn đến các doanh nghiệp phải tăng chi phí tuyển dụng, tăng chi phí đào tạo cho lao động mới tuyển. Nếu tiếp tục tăng chi phí làm thêm giờ sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí lao động và giảm tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam.

Trong khi đó, Ban soạn thảo cho rằng quy định tổ chức làm thêm giờ nhiều khi không phải là điều mong muốn mà buộc phải làm, vì thiếu lao động để đáp ứng thời hạn hợp đồng.

Áp dụng “cứng”: Nên hay không?

Nhận định của Ban soạn thảo, ngoại trừ nhóm các doanh nghiệp FDI khắc phục được vì năng lực tổ chức và tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh, quy định mức lương làm thêm giờ lũy tiến sẽ gây khó trong ngắn hạn.

Với các doanh nghiệp trong nước, điều này càng không đơn giản.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Trường hợp áp dụng cách tính luỹ tiến sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp nội khi trình độ công nghệ không cao và năng lực tài chính, tổ chức hạn chế. Trong khi đó, cả nước có tới 98% doanh nghiệp với mô hình vừa, nhỏ và siêu nhỏ”.

Đặc biệt, lĩnh vực dệt may và thủy sản được coi là hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại thế hế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Nguy cơ các doanh nghiệp nội sẽ phải thu hẹp sản xuất, rút khỏi thị trường và thay vào đó là các doanh nghiệp ngoại. Quy định cao hơn nữa sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, gây bất lợi cho doanh nghiệp nội.

Trước việc phân tích như trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên mức tiền lương làm thêm giờ như hiện nay và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên sẽ do hai bên thỏa thuận”.

“Nếu quy định mức lương làm thêm giờ thấp thì người lao động không muốn làm thêm giờ và sẽ bảo vệ tốt sức khỏe người lao động. Nhưng điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết huy động làm thêm giờ để giải quyết các nhu cầu cấp bách” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cách tính lương làm thêm hiện nay không thấp

Theo Ban soạn thảo, quy định như hiện nay về tiền lương làm thêm giờ: "Ít nhất là 150% khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, 200% khi làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần, 300% khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương" là khá cao so với quy định của các nước và được coi là hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Tại Nhật Bản, tiền lương làm thêm giờ là 125% vào ngày thường và 135% vào ngày nghỉ hằng tuần; tại Đài Loan là 133,3% và Philippines là 125%.

(Theo Dân trí)