Trao đổi tại Hội thảo quốc tế 4G/5G ngày 6/4 tại Hà Nội, đề cập đến vấn đề phát triển 5G, một quan điểm được đặt ra đó là: Tại Việt Nam, giữa lúc 4G mới phát triển, chưa tận dụng hết thì nói đến 5G liệu có phải là quá sớm?
Câu hỏi này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia đến từ trong và ngoài nước. Các quan điểm cho rằng để khẳng định là sớm hay muộn, cần nhìn vào thực tế phát triển của Việt Nam, nhu cầu ứng dụng hiện tại và tương lai cũng như đặt vào xu hướng phát triển chung của thế giới.
Theo quan điểm của ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, dự kiến đến cuối năm 2019, trên thế giới mạng 5G sẽ chính thức được thương mại hóa. Do đó, đây chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G.
Ông Mohamed Madkour, Phó Chủ tịch phụ trách Tiếp thị mạng không dây, Giám đốc thị trường toàn cầu Huawei bày tỏ sự ấn tượng khi 4G LTE được triển khai nhanh chóng tại Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn. “Có thể xem đó là bước nhảy vọt, sẵn sàng cho việc tiến lên triển khai 5G”, ông Mohamed Madkour nói.
Cũng theo ông Mohamed Madkour, công nghệ 5G có tốc độ cao gấp hàng chục lần 4G, độ trễ thấp, tính tin cậy cao hơn… Chính vì thế, đặt trong xu thế phát triển hiện nay, Việt Nam cần phải chuẩn bị để hướng tới 5G trong tương lai và đây không còn là điều quá sớm.
"Với các nhu cầu lớn như muốn xem video 4K khi đang di chuyển trên tàu tốc độ cao thì chỉ có công nghệ 5G mới đáp ứng hiệu quả", đại diện Samsung nói.
Trong khi đó, bà Julie Welch, Phó Chủ tịch khối Quan hệ chính phủ, Qualcomm khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương cho hay: Theo một thống kê, tại Việt Nam năm 2017, 40% smartphone bán ra thị trường có khả năng kết nối 4G. Năm 2018 dự kiến con số này sẽ tăng lên 55%. Cùng đó Internet phát triển mạnh mẽ, là cơ hội để Việt Nam tiến lên 5G.
“Nếu không muốn tụt hậu, Việt Nam cần xem xét đến việc phát triển 5G để bắt kịp xu hướng. Các nhà mạng phải thiết để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đón đầu xu hướng”, bà Julie Welch nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận sự phát triển 5G là xu hướng tất yếu ở mức cao hơn để đem lại nhiều cơ hội phát triển hơn. Trong đó, đặc biệt là cần chú trọng đến sự phát triển dịch vụ hài hòa ở từng khu vực khác nhau như nông thôn, thành phố, các đối tượng người dùng khác nhau.
Đáng chú ý, các chuyên gia cũng lưu ý việc tiến lên 5G không phải là bỏ đi các công nghệ, hạ tầng cũ đã sẵn có gây lãng phí.
Ông Thanongdeuane Toulihong, Phó Cục trưởng, Cục Viễn thông Lào cho hay tại quốc gia này đang có công nghệ 2G, 3G, 4G và đã xem xét đến sự phát triển 5G.
“Tôi cho rằng dù phát triển lên 5G thì chúng ta cũng không loại bỏ bất cứ công nghệ nào bởi nhu cầu sử dụng là khác nhau, mỗi công nghệ đều có đối tượng sử dụng nhất định”, ông Thanongdeuane Toulihong nói.
Đồng quan điểm, ông Chaturon Choksawat, Cục trưởng, Cục Cấp phép kinh doanh hạ tầng Viễn thông, Văn phòng Ủy ban Viễn thông và Phát thanh truyền hình Thái Lan cho hay quốc gia này cũng đang phát triển mạnh OTT, IoT… và đang cố gắng tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của 3G, 4G để tương lai tiến lên 5G.
Ở góc độ kỹ thuật, đại diện Huawei cho rằng phát triển lên 5G thì thực tế vẫn cần sử dụng đến các modul của 2G, 3G và công nghệ của hãng này có thể hỗ trợ.
Đưa ra thêm hướng gợi ý cho hướng phát triển 5G tại Việt Nam, tại hội thảo các chuyên gia cho rằng phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển 5G. Phải mở cửa để tạo cơ hội cho 5G nhảy vào các lĩnh vực trong phát triển tòa nhà thông minh, đô thị thông minh, dịch vụ video trực tuyến…