Cú đảo chiều ngoạn mục

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) vừa chứng kiến thêm một phiên tăng điểm mạnh với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng thêm hơn 1.350 điểm, tương đương mức tăng 6,4% lên 22.552,17 điểm.

Trước đó, chỉ số Dow Jones cũng đã có 2 phiên tăng, trong đó có một phiên tăng kỷ lục kể từ năm 1993 với hơn 2.100 điểm, tương đương mức tăng 11%.

Như vậy, chỉ trong 3 phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã tăng khoảng 21% kể từ đáy và chính thức được xác nhận bước vào một thị trường tăng giá (bull market), trái ngược hoàn toàn với xu hướng đi xuống thảm hại trong tuần trước và đầu tuần này (với mức giảm tổng cộng 37%).

Trong phiên đêm qua, các chỉ số chứng khoán khác cũng tăng vọt. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 6,24%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 5,6% và cũng sắp bước vào xu hướng tăng giá.

Hầu hết các cổ phiếu lớn trên TTCK Mỹ như Boeing, Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Alphabet, Chevron… đều tăng mạnh, từ 4%-10%.

{keywords}
Nước Mỹ vào tình huống chưa từng có, thất nghiệp tăng 3,2 triệu người, số người nhiễm SARS-CoV-2 vượt Trung Quốc. Tuy nhiên, chứng khoán tăng dữ dội.

Đây là một diễn biến khá bất ngờ bởi chứng khoán Mỹ tăng vọt trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Mỹ tiếp tục bùng phát và tồi tệ chưa từng có với số người nhiễm đã vượt Trung Quốc lên mức gần 84 ngàn người, trong đó có hơn 1,2 ngàn người tử vong.

Đêm qua, Bộ Lao động Mỹ cũng đã công bố một thông tin tệ hại về thị trường lao động. Theo đó, số liệu người thất nghiệp tính theo tuần kết thúc vào thứ 7 vừa qua tăng phi như tên lửa lên mức cao lịch sử: trên 3,28 triệu người do một nửa dân nước Mỹ bị hạn chế đi lại.

Bản báo cáo này là một trong những báo cáo quan trọng đầu tiên cho giới đầu tư một cái nhìn lướt qua về những ảnh hưởng kinh tế do những nỗ lực phong tỏa và tự cách ly của người Mỹ nhằm chống lại sự lây lan của SARS-COV-2.

Con số thất nghiệp lần này thực sự quá lớn và che mờ con số thất nghiệp tăng thêm kỷ lục 695 ngàn người được ghi nhận vào tháng 10/1982 trong cuộc Đại suy thoái kinh tế.

Trước đó, ước tính của các nhà kinh tế cũng đã là một con số kỷ lục với dự báo cho rằng số người thất nghiệp tăng lên trong tuần kết thúc vào thứ 7 vừa qua sẽ là từ 1 cho tới 2,5 triệu người, vượt xa so với mức tăng giảm một vài ngàn người theo tuần.

Tuy nhiên, con số thực tế 3,28 triệu người thất nghiệp còn vượt cả dự báo hết sức bi quan của các nhà kinh tế.

{keywords}
Cú đảo chiều ngoạn mục của chỉ số Dow Jones khiến nhiều người kỳ vọng hệ thống tài chính của Mỹ sẽ không bị sụp đổ.

Tiền như nước, thị trường tài chính đảo lộn

Như vậy, TTCK Mỹ đã gần như phớt lờ một chỉ số quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Mỹ - là thị trường lao động, để tăng điểm như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao kỷ lục cũng không ngăn cản được dòng tiền đổ vào các cổ phiếu, vốn đã giảm mạnh trước đó.

Một số nhà quan sát thị trường cho rằng, việc TTCK tăng điểm bất chấp số liệu thất nghiệp cao hơn nhiều so với dự báo là một dấu hiệu đáng mừng và nó cho thấy thị trường nhiều khả năng đã tạo đáy sau khoảng 2 tuần sóng gió chao đảo chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Sở dĩ chứng khoán Mỹ tăng mạnh là do hôm qua Thượng viện Mỹ vừa thông qua gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có: 2.000 tỷ USD bơm trực tiếp cho người dân Mỹ, hộ gia đình và các doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp từ Covid-19.

Khối tiền khổng lồ này tạm thời đảm bảo được cuộc sống cho những người thất nghiệp Mỹ và hơn cả là tạo ra được sức cầu tiêu dùng lớn trong bối cảnh cả thế giới đang chứng kiến một sự tụt giảm về sức cầu tiêu dùng, sau khi đã trải qua cú sốc về tụt giảm nguồn cung do các chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trung Quốc bị gián đoạn.

{keywords}
Mỹ trở thành tâm dịch lớn nhất của thế giới.

Nhưng điều quan trọng hơn, điều mà giới đầu tư bớt lo ngại là nguy cơ trụ cột tài chính Mỹ sụp đổ, kéo theo sự đổ vỡ trên thị trường tài chính thế giới, đã giảm đi rất nhiều sau cú bơm tiền của chính quyền Mỹ.

Không chỉ có 2.000 tỷ USD sẽ được bơm trực tiếp vào nền kinh tế nói trên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dưới sức ép của ông Trump và dịch Covid-19, có thể bơm tới 4.500 tỷ USD để giải cứu kinh tế Mỹ thông qua các tuyên bố gần đây. Đây cũng là một hành động mạnh mẽ chưa từng thấy, hơn cả những gì cơ quan này đã làm trong khủng hoảng tài chính 2008.

Fed cho rằng tình hình hiện tại là chưa từng có trong lịch sử và đang tiếp tục diễn biến đáng quan ngại hiện nay có thể gây ra sự gián đoạn hoạt động sản xuất-kinh doanh và những thách thức tạm thời ảnh hưởng đến ngân hàng, doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế.

Trước đó, Fed cũng đã hạ lãi suất 150 điểm phần trăm từ mức 1,5-1,75% xuống còn 0-0,25% nhằm bơm thêm tiền vào vực dậy nền kinh tế.

{keywords}
Ông Tập Cận Bình kêu gọi hợp tác chính sách toàn cầu để chống Covid-19.

Tổng cộng khoảng trên 6.000 tỷ USD sẽ được bơm vào nền kinh tế Mỹ là một cú huých chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Nó có thể khiến thị trường tài chính biến động vượt khỏi những dự báo của giới phân tích thị trường.

Không những thế, niềm tin với chứng khoán thế giới còn được củng cố khi hàng loạt các nước khác cũng đang nỗ lực cứu các thị trường tài chính trong đó có chứng khoán. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vừa quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục: 0,1% nhằm hỗ trợ nền kinh tế giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. BoE cũng nhất trí duy trì quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 645 tỷ bảng (khoảng 772 tỷ USD) sau khi mua thêm 200 tỷ bảng trái phiếu chính phủ trong tuần trước.

Chính quyền Singapore cũng đang có kế hoạch kích thích kinh tế lớn chưa từng có, trị giá khoảng 48 tỷ SGD (33,7 tỷ USD) nhằm đối phó với tác động về kinh tế do Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, nước Đức cũng đã tính bơm khoảng 390 tỷ USD, Anh gần 400 tỷ USD, Tây Ban Nha 220 tỷ USD, PHáp 50 tỷ USD, Thái Lan gần 18 tỷ USD…

M. Hà