Thực tế cho thấy, hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế biển.
Vì vậy, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển thủy sản theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền tới tất cả ngư dân cũng như đội ngũ cán bộ các cấp về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU đối với sinh kế lâu dài cũng như đời sống, thu nhập của ngư dân.
Hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định; quản lý tàu cá xuất, nhập bến; mở các đợt cao điểm tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả các tàu cá vi phạm.
Cùng với đó, triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử, nhật ký khai thác điện tử nhằm minh bạch thông tin.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Tiền Giang có trên 1.500 tàu cá với hơn 9.800 thuyền viên, trong đó, 917/917 tàu cá có chiều dài trên 15m đã được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Đối với tàu cá "3 không" (không đăng ký, đăng kiểm, giấy phép), chính quyền kiên quyết xử lý nghiêm; 40 tàu cá vi phạm đã bị phát hiện và ngăn chặn.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản của cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngư dân tỉnh Tiền Giang quyết tâm tổ chức triển khai, quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản", trong đó tập trung các nhiệm vụ như:
Có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU.
Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thủy sản; thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển lâu dài,…
Và, quan trọng hơn cả, Tiền Giang quyết tâm thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.