Theo Sở TT&TT tỉnh Tiền Giang, ngày 14/3/2017 UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang (CQĐT) phiên bản 1.0. Đây là kiến trúc nền tảng đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước tỉnh Tiền Giang được đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin; Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, hướng đến triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ; Nâng cao tính linh hoạt, khả năng mở rộng, phát triển về lâu dài khi triển khai các hệ thống thông tin.
Lộ trình triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử Tiền Giang gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017-2018) với 8 công việc chính như: Xây dựng và cải tiến quy trình nghiệp vụ đáp ứng CQĐT, nâng cấp toàn diện Trung tâm tích hợp dữ liệu, nâng cấp cổng thông tin điện tử tỉnh tích hợp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính…
Giai đoạn 2 (2018-2019) với 5 công việc chính xây dưng hệ thống an toàn thông tin tỉnh, nâng cấp hệ thống hộp thư công vụ tỉnh đáp ứng CQĐT, xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, xây dựng một số ứng dụng đáp ứng CQĐT…
Giai đoạn 3 (2019 - 2020) cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước với các thành phần cốt lõi, cấu trúc nền tảng của Chính quyền điện tử tỉnh; Tăng cường phát huy hiệu quả của các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh; Hình thành và chuẩn bị lớp công dân điện tử sẵn sàng cho việc vận hành Chính quyền điện tử: Đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức có thể sử dụng khai thác có hiệu quả Chính quyền điện tử của tỉnh; 100% cơ quan nhà nước các cấp tham gia vào hệ thống Chính quyền điện tử; 100% cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin được cập nhật, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực về an toàn, bảo mật hệ thống thông tin; 100% người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi Chính quyền điện tử.
Việc xây dựng Kiến trúc CQĐT giúp lãnh đạo các cấp có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai CQĐT kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tại tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng.
Trước đó, Thành ủy Mỹ Tho (Tiền Giang) đã tổ chức Hội nghị triển khai chủ trương về xây dựng thành phố Mỹ Tho thành thành phố thông minh.
Đề án phát triển thành phố thông minh của Mỹ Tho sẽ được thực hiện từ tháng 9/2017 gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2017-2020 triển khai hạ tầng CNTT, viễn thông, xây dựng trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung tiến tới “Chính quyền điện tử”. Giai đoạn 2 từ năm 2020 trở đi đánh giá hiệu quả của đề án, tiếp tục cải tiến triển khai mở rộng phạm vi.
Mục tiêu của xây dựng thành phố Mỹ Tho trở thành thành phố thông minh là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng hiệu quả hoạt động quản lý giảm chi phí thu hút các doang nghiệp và nhà đầu tư phát triển bền vững.
Theo đại diện Sở TT&TT Tiền Giang, định hướng triển khai xây dựng thành phố Mỹ Tho trở thành thành phố thông minh là xu thế phù hợp với quá trình phát triển đô thị hiện nay. Mô hình thành phố thông minh được nhiều nơi trên thế giới áp dụng nhưng vẫn còn là mô hình mới đối với Việt Nam và tỉnh Tiền Giang. Ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cụ thể hướng dẫn về xây dựng đô thị thông minh, các địa phương xây dựng thành phố thông minh dựa trên cơ sở thế mạnh hiện có. Theo đó, Tiền Giang sẽ xây dựng thành phố thông minh hướng đến “Chính quyền điện tử".