Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa phê duyệt vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, tỉnh có 40 mã số vùng trồng xuất khẩu dừa với diện tích 3.076,34 ha; 9 mã số cơ sở đóng gói với diện tích 15.432m2 được phía Trung Quốc phê duyệt.
Để việc xuất khẩu quả dừa tươi sang Trung Quốc được thuận lợi, bền vững và không ảnh hưởng đến uy tín quả dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam, Cục BVTV đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang thông báo bằng văn bản cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói có mã số đã được GACC phê duyệt thực hiện công tác quản lý, giám sát theo quy định
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang hướng dẫn các đơn vị đã có mã số được phê duyệt tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu, yêu cầu cơ sở đóng gói thực hiện kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu để đảm bảo không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm và tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm.
Trường hợp các vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm, đề nghị cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang chủ động thực hiện thông báo dừng xuất khẩu đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo thông báo vi phạm của nước nhập khẩu. Đồng thời, yêu cầu vùng trồng và cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc của lô hàng xuất khẩu.
Theo thống kê, tổng diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay là 21.654 ha, với diện tích cho trái là 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Cây dừa được phân bố từ huyện Cái Bè đến huyện Tân Phú Đông. Trong đó, diện tích dừa tập trung chủ yếu tại các huyện: Chợ Gạo (7.700 ha), Châu Thành (5.000 ha), Tân Phú Đông (2.700 ha), Gò Công Tây (2.500 ha), TP. Mỹ Tho (1.700 ha)... Dừa được trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay là dừa uống nước (60,6%) và dừa lấy dầu (39,4%).
Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.
Để khai thác tiềm năng phát triển của cây dừa, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập các hợp tác xã để người dân trồng dừa phải tham gia hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ...
Hơn nữa, việc thúc đẩy ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới cũng như tạo ra cơ hội "ăn nên làm ra" cho các địa phương chủ lực về cây dừa, trong đó có tỉnh Tiền Giang.