Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng là điều không cần phải bàn thêm.
Qua hơn 3 tháng đại dịch Covid-19 bùng phát, có nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn về tài chính, thiếu vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Chưa kể, sự đứt gãy của thị trường, mất đối tác… cũng làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ngày 25/9/2021, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về triển khai thực hiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang. Trong quá trình thực hiện có 19 doanh nghiệp FDI ở tỉnh Tiền Giang có đơn "kêu cứu" gởi Thủ tướng Chính phủ và ngay sau đó trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bình luận; về việc này có những thông tin trên mạng xã hội và một số người chưa hiểu hết Kế hoạch số 267/KH-UBND; tình hình cụ thể về hoạt động các doanh nghiệp hoạt động "03 tại chỗ" trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như thế nào cũng như tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh Tiền Giang nhưng cũng tham gia bình luận và cho rằng tỉnh chưa thoát được phương án sản xuất "03 tại chỗ’, chính quyền Tiền Giang còn "cứng nhắc" là không quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp và người lao động...
Theo đánh giá chung, Kế hoạch số 267/KH-UBND của Tỉnh đã thể hiện rất rõ lộ trình trở lại hoạt động bình thường theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có việc khôi phục hoạt động sản xuất. Trên tinh thần "sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, trước hết" và đảm bảo an toàn trong sản xuất, quan điểm của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm tính mạng con người và an toàn cho người dân, cho xã hội (trong đó có các doanh nghiệp); Kế hoạch số 267/KH-UBND ngày 25/9/2021 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đã nhấn mạnh vai trò hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 01/10/2021 đến cuối năm 2021 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/10/2021: Tập trung cho công tác phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp trong điều kiện "tỷ lệ tiêm vắc-xin trong dân còn thấp, kết quả phòng, chống dịch tiềm ẩn nguy cơ, chưa bền vững". Giai đoạn 2: từ ngày 01/11/2021 đến ngày 31/12/2021, chuyển từ "nguy cơ" sang "bình thường mới", điều kiện người lao động có thẻ xanh Covid (tiêm đủ 2 mũi, F0 hết bệnh), các doanh nghiệp dần chuyển từ "03 tại chỗ" sang hoạt động gắn với phương án phòng, chống dịch, các doanh nghiệp nâng quy mô hoạt động dần theo các mức 30%, 50%, 70%.... Việc chuyển tỷ lệ từ 30% lên 50% lên 70% có thể nhanh, chậm chủ yếu tùy thuộc doanh nghiệp có vận hành an toàn giai đoạn trước và sẵn sàng tăng quy mô chưa.
Tính đến ngày 20/10/2021, tổng số doanh nghiệp thực hiện phương án là 98 doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện phương án "03 tại chỗ", các trường hợp doanh nghiệp muốn tăng số lượng lao động và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch thì tỉnh phê duyệt cho bổ sung tăng.
Mặc dù thực hiện phương án "03 tại chỗ" có tốn kém chi phí cho doanh nghiệp nhưng thực tế từ khi thực hiện phương án đến nay (từ ngày 01/8/2021) là tuyệt đối an toàn, không phát sinh bất kỳ ổ dịch mới nào. Đồng thời, tỉnh đã sửa đổi Bộ Tiêu chí thực hiện phương án "03 tại chỗ" theo hướng doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát vi-rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021. Cụ thể, xét nghiệm (mẫu gộp) bằng test nhanh (07 ngày/lần) hoặc bằng phương pháp RT-PCR (14 ngày/lần) đối với lao động thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài như: Tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, người vận chuyển, giao nhận hàng...; người lao động còn lại luân phiên xét nghiệm theo thời gian như trên, mỗi lần 05 - 10% lao động.
Mặt khác, trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động "03 tại chỗ", trong đó có cả doanh nghiệp FDI, hàng tuần UBND tỉnh đều gặp mặt doanh nghiệp nhằm tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân các doanh nghiệp, đến nay, tỷ lệ công nhân trong các khu, cụm công nghiệp tiêm mũi 1 đạt gần 100%, gần 45% được tiêm mũi 2.
Cùng với thủy sản, may mặc là một trong những ngành chịu tác động lớn của đại dịch. Với đặc thù có rất nhiều lao động tham gia sản xuất nên công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp may mặc phải tạm ngừng hoạt động. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không thể hoàn thành các đơn hàng theo hợp đồng và tất nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thế nhưng, thời điểm này, ghi nhận thực tế cho thấy, đến nay tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực trở lại chu kỳ hoạt động trước đây, nhưng trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng phương án, kế hoạch phát triển, liên kết phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.
Duy Khánh