Cả hai nền kinh tế Nga và Ukraine đã nhanh chóng chấp nhận tiền kỹ thuật số để đạt được những lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là lần đầu tiên thế giới được chứng kiến sức mạnh của công nghệ chuỗi khối (blockchain) ở quy mô lớn, cũng như sự nỗ lực gây quỹ cộng đồng để hỗ trợ quốc phòng.
Tiền điện tử: ‘Viên đạn bạc' trong cuộc chiến Nga-Ukraine? |
Nhưng liệu tiền điện tử có là một “viên đạn bạc” giải quyết dễ dàng và nhanh chóng những vấn đề nảy sinh trong bối cảnh giao tranh?
Nga có thể sử dụng tiền số để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt?
Trước một loạt các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Nga đã bị xóa khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu SWIFT, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba như PayPal, Visa và ApplePay cũng đã cắt đứt quan hệ với nước này, buộc người dân Nga phải tìm kiếm các giải pháp tài chính thay thế.
Trước tình hình căng thẳng, việc hợp pháp hóa tiền điện tử nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Tom Robinson, nhà khoa học và đồng sáng lập của công ty phân tích tiền điện tử Elliptic cho biết: “Do không có bộ điều khiển trung tâm nào áp đặt đạo đức lên người dùng, tiền điện tử có thể được sử dụng để huy động quyên góp từ cộng đồng cho quân đội Ukraine hoặc giúp Nga ứng phó với các lệnh trừng phạt. Không ai có thể thực sự ngăn cản tiền số được sử dụng theo cả hai cách trên”.
Tuy nhiên, Changpeng Zhao - người sáng lập sàn giao dịch Binance cho rằng không ai có thể sử dụng blockchain để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt vì tất cả các giao dịch đều được ghi lại trong sổ cái phân tán công khai.
Mối lo ngại về đạo đức
Do Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có thể được gửi và nhận một cách ẩn danh, nó được sử dụng để gây quỹ để khắc phục những điều mà các nền tảng gây quỹ truyền thống không cho phép.
Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: sử dụng tiền điện tử để gây quỹ cho chiến tranh liên quan đến các vấn đề đạo đức như thế nào?
Hiện tại, câu trả lời phụ thuộc vào việc ai đang nắm giữ số tiền và kế hoạch giải ngân ra sao. Chính phủ Ukraine và các tổ chức phi chính phủ như Come Back Alive đã thông báo rõ ràng rằng các quỹ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Ukraine ủng hộ cho nhiều mục đích, bao gồm trang bị thiết bị quân sự, vật tư y tế và máy bay không người lái...
Cho đến nay, chính phủ Ukraine đã nhận được hơn 50 triệu USD đóng góp tiền điện tử bằng BTC, ETH, USDT, DOT, TRX, DOGE và một số mã thông báo ERC-20 khác.
Tiền số có thực sự giúp ích cho người dân bình thường?
Hiện tại, một số người dân Ukraine đã rời đất nước và đặt hy vọng vào tiền điện tử, lên kế hoạch chuyển đổi chúng thành tiền pháp định (fiat) ngay khi họ đến nơi an toàn hơn.
Ukraine và Nga đã hạn chế chuyển và rút tiền fiat, do đó, tiền điện tử là một “lối thoát tài chính” cho những người dân bình thường. Mặc dù đây không phải là giải pháp có thể giúp hồi sinh hoàn toàn nền kinh tế đang sụp đổ của cả hai quốc gia, chúng chắc chắn sẽ phần nào giúp đỡ được cho cho hàng nghìn người đã mất nơi ở và tiền tiết kiệm.
Tuy vậy, sử dụng tiền điện tử trong thời kỳ khủng hoảng không phải là một điều dễ dàng vì ngoài cần thiết bị hoạt động và kết nối Internet, người dùng còn cần có kiến thức cơ bản về ví vận hành và chuỗi khối nói chung, phần lớn dân số vẫn chưa được tiếp cận nhiều với điều này.
Với những ràng buộc đó và sự gia tăng của các biện pháp kiểm soát vốn, tiền điện tử chỉ hữu ích với những công dân Ukraine và Nga đã sở hữu nó.
Ukraine đã tích cực quảng bá tiền kỹ thuật số trong vài năm qua và là một trong những quốc gia có tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử cao nhất thế giới. Theo ước tính, gần 5,5 triệu người Ukraine đã sở hữu tiền điện tử, chiếm hơn 12% dân số quốc gia.
Mặc dù, Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng tiền điện tử mang lại nhiều rủi ro, chính phủ Nga lại có quan điểm ngược lại. Theo ước tính rằng gần 12% dân số Nga, tương đương 17,3 triệu người sở hữu tiền điện tử.
Trong khi các sàn giao dịch tập trung như Binance và Coinbase đã cố gắng giữ cho các kênh tiền điện tử mở cho người Nga, đặc biệt là những công dân bình thường đang tìm kiếm một nguồn tài chính, thì đồng thời những nỗ lực nhằm truy quét các tác nhân độc hại cũng diễn ra gay gắt. Coinbase, đã chặn hơn 25.000 ví của người dùng Nga có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp và đang chủ động giám sát hệ thống của mình để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực né tránh lệnh trừng phạt nào.
Với tất cả những điều trên, có thể thấy rằng, tiền điện tử có thể đang đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh giao tranh, nhưng nó không phải là “viên đạn bạc” để có thể dễ dàng và nhanh chóng giải quyết những tổn thất và hàn gắn mọi vết thương. Nó chỉ giống như một phương án tạm thời khắc phục một phần khó khăn cho nhiều người dân ở cả hai quốc gia.
Hương Dung (Theo Venture Beat)
Phương Tây cấm Nga, Huawei đắc lợi
Các hãng công nghệ nước ngoài lần lượt rời khỏi Nga giữa làn sóng cấm vận từ phương Tây. Đây chính là cơ hội cho một gã khổng lồ của Trung Quốc: Huawei.