Có bao nhiêu ông “lý trưởng, chánh tổng”- cường hào mới nghênh ngang trên đất nước này?

Cách đây ít năm, có câu nói của một kẻ giang hồ nghiễm nhiên thành “triết lý đương đại”: Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền!

Chỉ có cường hào mới thì mới o ép dân đến thế 

Còn giờ đây, có rất ít tiền cũng có thể “mua” được sự… tham lam.

Đó là vụ việc khiến dư luận xã hội bất bình cả tuần nay.

Địa danh xảy ra vụ việc: Phường Đông Cương (t/p Thanh Hóa)

Nhân vật trung tâm: Người dân tổ 07, tổ 08 của phường và cán bộ phường này.

Nội dung vụ việc: Nhiều hộ dân của phường có đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện đền bù đất (do Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Tuấn Minh lấy đất xây dựng khu thương mại và văn phòng phải đền bù). Ngay lập tức, sau khi họ nhận tiền đền bù, cán bộ phường này đến “xin” lại gần một nửa số tiền nói trên (báo GDVN, ngày 30/11).

Rõ là tiền có thơm tho, người mới… đến.

Mà số tiền được đền bù đâu có nhiều nhặn gì cho cam. Mặc dù, với nhiều hộ dân, có khi là cả một tài sản. Có người như bà Lê Thị Lũy, 73 tuổi đã thốt lên: Đời tôi chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến thế (!) Mà số tiền bà Lũy được đền bù là 21 triệu đồng. Vậy nhưng bà cũng không thoát khỏi số phận được cán bộ phường xin lại… 11 triệu. Bà Lê Thị Tuyền, 77 tuổi, được đền bù 38 triệu, bị cán bộ thu lại 18,8 triệu đồng. Ông Nguyễn Quang Trung 63 tuổi, được đền bù hơn 30 triệu, bị thu lại hơn 20 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Phượng (giáo viên đã nghỉ hưu) được đền bù 100 triệu, bị cán bộ thu hồi lại 65 triệu…v.v..

{keywords}

Trụ sở phường Đông Cương (t/p Thanh Hóa). Ảnh: Minh Thảo/ GDVN

Khốn khổ cho những người nông dân, quan thì xa bản nha thì gần, chuyện công quyền, chuyện bản nha bao giờ chả rất e ngại. Mà mỗi nhà một vẻ, lý do chẳng ai giống ai. Nhà thì “thu để nộp cho phường hoặc làm trích lục...”. Nhà thì để “nộp vào ủy ban, nhưng không nói dùng vào việc gì cả”. Nhà thì phải ký vào biên bản “tự nguyện nộp tiền cho phường".

Người may mắn duy nhất có lẽ là bà Nguyễn Thị Phượng, giáo viên, hiểu biết chút ít pháp luật, thấy vô lý quá đã làm đơn khiếu nại. Sau nhiều lần, phường buộc phải trả lại cho bà số tiền đã thu.

Chuyện vỡ lở. Báo chí, truyền thông lên tiếng.

Nhưng phường Đông Cương không phải là địa danh duy nhất của Thanh Hóa “nổi tiếng” (hay tai tiếng?) về chuyện tiền bạc, liên quan đến các khoản thuế, phí lập lờ không rõ ràng.

Trước đó, cả XH đã choáng vì vụ việc ở huyện Nông Cống, mà báo Trí thức trẻ, ngày 13/8 đã viết: Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa: Xông vào nhà tịch thu cả giường ngủ để ép dân nghèo nộp tiền.

Trước đó nữa, báo Lao động ngày 04/7 đưa bài về xã Minh Lộc (Hậu Lộc), trẻ sơ sinh “Vừa lọt lòng đã cõng các loại phí”. Ở xã này, trẻ cứ được cha mẹ đăng ký khai sinh, có tên trong hộ khẩu là phải nộp phí 80.000 đ như người lớn.

Đọc những thông tin trên báo, ngỡ như đang bước vào những trang văn học thời phong kiến xa xưa, địa chủ cường hào bóc lột nông dân thậm tệ!

Thậm chí, như bước vào trang ký nổi tiếng của xứ Thanh dạo nào “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (tác giả Phùng Gia Lộc) - khi đất nước mới bước vào Đổi mới.

Điều lạ mà… quen, khi trả lời báo chí, cán bộ các xã và ngay cả ở phường Đông Cương mới đây, đều có một điệp khúc ngôn từ giống nhau. Đó là “dân tự nguyện nộp tiền”!

Dân tự nguyện hay các vị tự tiện và tùy tiện, ỉ vào vị thế cán bộ, dùng thứ lệ làng không tuyên bố, để o ép dân cho những mục đích… gi gỉ gì gi chỉ các vị mới biết?

Trả lời phỏng vấn báo Trí thức trẻ, ngày 14/8, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GDTN,TN và NĐ của QH khóa 13 nói thẳng: Đó không phải là hình thức thu mà là trấn lột. Phải dùng từ như thế mới lột tả được hết hành vi phản cảm của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền như thế ở địa phương. Tôi cho rằng, có lẽ đang hình thành tầng lớp giống như lý trưởng, chánh tổng ngày xưa, đó là cường hào mới ở nông thôn. Chỉ có cường hào mới thì mới o ép dân đến như thế.

Xin được miễn bình.

{keywords}

Bà Lê Thị Lũy, 73 tuổi, được đến bù 21 triệu: "Đời tôi chưa bao giờ cầm nhiều tiền đến thế". Ảnh: Quốc Toản/ GDVN

“Đồ ăn quỵt của xã hội”…

Đây là câu mắng dân của ông Lê Đình Mão, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch phường Đông Cương (hiện nay là Bí thư phường Điện Biên) khi tiếp xúc với dân.

Nhưng trước đó, xin bàn về trách nhiệm của các cán bộ quản lý phường Đông Cương. Kể cả khi báo chí đã ồn ào vụ việc, thì các vị này vẫn kêu không biết hoặc khăng khăng không có chuyện đó. Ở đây là ông Lê Hồng Duy (trưởng phố 08, phường Đông Cương): Chúng tôi không biết việc cán bộ phường có thu lại tiền đền bù hay không (?)". Rôi ông Lê Đỗ Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường: Không có chuyện cán bộ thu lại tiền của dân (GDVN, ngày 30/11). Thì hoặc các vị quá quan liêu, hoặc các vị hiểu cái chuyện “trấn lột” đó  là… xấu xa đậy lại.

Được biết, trước thông tin của báo chí, sự bất bình và chê bai của xã hội, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, vấn đề này thuộc thẩm quyền xử lý của UBND t/p Thanh Hóa, và cam kết sẽ yêu cầu xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Đến thời điểm này, theo VietNamNet, sáng ngày 4/12, lãnh đạo phường Đông Cương đã mời các hộ dân trong diện đền bù đến trụ sở phường, trả lại 185 triệu đồng cho 13 hộ dân. Ông Chủ tịch UBND t/p Thanh Hóa cũng đề nghị  lãnh đạo phường Đông Cương sau trả lại tiền phải xin lỗi dân, nghiêm túc kiểm điểm vì để xảy ra vụ việc trên.

Nhưng không biết các lãnh đạo phường Đông Cương đã xin lỗi dân như thế nào, thì bất ngờ, ngày 6/12, báo GDVN đưa thông tin clip… “mắng dân’ của ông Lê Đình Mão, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch phường Đông Cương (ông Mão vừa có quyết định giữ chức Bí thư phường Điện Biên) khi một người dân- ông Lê Văn Đông- tới trụ sở phường để nộp đơn khiếu nại (lần 04), phản ánh việc ông Chủ tịch phường Đông Cương không thực hiện đúng trình tự thu hồi đất; cho nhà thầu chặt phá cây của gia đình ông và tự ý chuyển đi, gây thiệt hại tài sản của gia đình ông.

Xin hãy nghe clip “mắng dân” của ông Lê Đình Mão (một số nội dung trong cuộc hội thoại này không phù hợp với thuần phong mỹ tục đã được lược bỏ).

Công dân Lê Văn Đông: Các anh đem cây của tôi về làm gì? Đi đâu? Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về việc này.

- Ông Lê Đình Mão: Tôi chả có gì phải chịu trách nhiệm cả... Ông đừng có lèm nhèm

Công dân Lê Văn Đông: Thế nào là lèm nhèm?

- Ông Lê Đình Mão: Tôi không nói chuyện với ông

Công dân Lê Văn Đông: Tôi sang làm việc với ông chứ không phải lèm nhèm.

- Ông Lê Đình Mão: Ông biến khỏi phòng tôi, ông không xứng đáng, đồ ăn quỵt của xã hội.

Công dân Lê Văn Đông: Thằng nào ăn quỵt của xã hội?

- Ông Lê Đình Mão: Tao nói mi đấy... Mi có thích thì ra ngoài này

Không hiểu, đó là đối thoại của dân chợ búa, giang hồ hay của một cán bộ lãnh đạo phường với dân? Ai quỵt của XH, và ai định… “quỵt” của dân?

Cuộc đối thoại này diễn ra từ ngày 28/3, tức 8-9 tháng trước đây. Cùng với vụ việc “trấn lột” tiền dân bất thành của phường Đông Cương, mà ông Lê Đình Mão làm chủ tịch, cho thấy điều gì về phẩm cách cán bộ lãnh đạo phường Đông Cương? Chả lẽ cán bộ phường làm ẩu, ông chủ tịch phường không biết? Và chả lẽ vì là chủ tịch phường, có quyền ứng khẩu “chợ búa” với dân?

185 triệu đồng trả lại dân không phải món tiền lớn, nhưng có khi chỉ chục triệu đã là một món tiền rất lớn với người dân, những người mà Đời tôi chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến thế, cho thấy người dân quá nghèo. Thì vụ việc bắt buộc dân “tự nguyện” nộp lại một nửa số tiền đền bù là việc làm phi pháp, trắng trợn.

Nghiêm trọng hơn, vụ việc này chỉ ‘tô điểm” thêm cho sự mất lòng tin với cán bộ, ở người dân. Mặc dù phải trả lại tiền cho dân, nhưng liệu những vị công bộc này có cầu thị thật sự hay chỉ là việc phải làm bất đắc dĩ?

Có bao nhiêu vụ việc kiểu như phường Đông Cương, như xã Minh Lộc (Hậu Lộc), như huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa)?

Có bao nhiêu ông “lý trưởng, chánh tổng”- cường hào mới nghênh ngang trên đất nước này?

Kỳ Duyên