Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được bồi thường 7,2 tỷ đồng cho 10 năm án oan và trở thành người được bồi thường nhiều nhất trong lịch sử tố tụng ở Việt Nam. Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Nénđòi bồi thường 18 tỷ đồng cho 17 năm ngồi tù oan nhưng tòa chỉ chấp thuận mức bồi thường là 2,6 tỷ đồng.
Những con số đó khiến nhiều người đặt ra so sánh và thắc mắc vì sao lại có sự chênh lệch như vậy. Một số ý kiến cho rằng, số tiền bồi thường cho người 17 năm tù ít hơn người 10 năm tù là điều không công bằng. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh: "Bồi thường oan sai, kiểu gì cũng bị lên án!".
Trước những ý kiến đó, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - cho biết: "Theo lý giải của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, chúng ta thấy mức bồi thường được thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc. Không phải người có năm tù dài hơn thì được bồi thường cao hơn. Theo nguyên tắc thiệt hại, chúng ta phải dựa vào nhiều yếu tố như: bản thân đối tượng bị hại làm việc hay đã nghỉ hưu, lương cao hay lương thấp, sức khỏe tốt hay yếu, tinh thần ra sao, việc họ bị oan ảnh hưởng như thế nào đến người thân?".
"Chẳng hạn, một phụ nữ có con mới 5-7 tháng tuổi bị xử oan, gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và nhiều vấn đề khác. Khi đó, đương nhiên mức thiệt hại cho người phụ nữ này sẽ lớn hơn rất nhiều. Hay một doanh nghiệp sau khi vừa thành lập xong thì người chủ bị tù oan. Điều đó khiến doanh nghiệp không phát triển được nên mức bồi thường không thể giống với người khác", ông Ngọ Duy Hiểu phân tích.
Theo VTV