LTS: Lộ trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 đang được Chính phủ đẩy mạnh với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng sớm ngay trong năm nay hoặc đầu năm 2022.
Dưới đây là góc nhìn của luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu (TP.HCM) với câu chuyện về trải nghiệm tiêm vắc xin khi đang theo học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân.
Tôi tiêm mũi đầu tiên vắc xin Pfizer ở TP Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ) vào tháng 3/2021. Mũi 2, tôi được tiêm sau đó 3 tuần.
Thời điểm đó, nước Mỹ vẫn ghi nhận hơn 50.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi tuần, TP Philadelphia có hơn 3.000 ca mỗi ngày. Và chưa đến 30% người dân ở Mỹ được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.
Khi nhận mũi tiêm đó, tôi vừa có cảm giác thở phào, vừa băn khoăn rất nhiều vì cảm giác đã được tiêm vắc xin trước rất nhiều người cần mũi tiêm đó.
Lý do tôi được tiêm vào thời điểm đó thực sự có thể gói gọn trong từ "may mắn". Philadelphia triển khai tiêm chủng theo độ tuổi và theo ngành nghề thiết yếu từ tháng 1/2021. Cứ mỗi lần đi ngang qua điểm tiêm chủng công cộng tại một trung tâm hội nghị, tôi đều tự nhủ chắc tới hè mới đến lượt mình.
Tuy nhiên, vào tuần cuối cùng của tháng 3, TP tiến hành khảo sát lại và phát hiện ra có khoảng hơn 20 zip code (khu vực) bị “underserved”, tức là tỷ lệ người dân tiêm phòng thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung và do đó không đảm bảo được mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Người dân Mỹ chờ tiêm vắc xin tại điểm tiêm công cộng ở Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ vào tháng 3/2021. Ảnh: Tác giả cung cấp |
Vừa trùng hợp, “zip code” nơi tôi ở lại đứng đầu danh sách đó. TP lúc đó cũng ưu tiên cho các trường hợp sống trong nơi có đông người (được định nghĩa là có trên 7 người sống cùng nhau). Nơi tôi thuê ở vào thời điểm đó có 8 người.
Tuy thoả mãn tất cả các điều kiện và cũng đã quyết định tiêm (để cứu bản thân), tôi cũng không tránh khỏi những băn khoăn về đạo đức.
Tìm trên reddit (diễn đàn thảo luận nổi tiếng ở Mỹ) thì thấy quả thực cũng có nhiều thảo luận như vậy. Có người còn hỏi rằng, nếu bản thân có cơ hội tiêm thì họ có nên cảm thấy đau khổ không? Thảo luận rất sôi nổi, nhưng nhìn chung tất cả đều đồng lòng rằng nếu bạn có cơ hội tiêm một cách hợp pháp, xin đừng bỏ lỡ và đừng cảm thấy tội lỗi.
Trừ khi bạn vi phạm pháp luật, bạn lợi dụng quyền lực của gia đình, bạn bè, bản thân... để hưởng lợi phi pháp, lúc đó mới thực sự đáng lên án. Trong tình huống này, hãy lấy pháp luật làm thước đo đạo đức.
Vế đầu, tôi đồng ý, nếu bạn làm sai quy định để được hưởng lợi, thì bạn vô đạo đức. Nhưng còn vế sau? Tất nhiên, là một luật sư, tôi không thể hài lòng với câu trả lời rằng luật pháp là thước đo của đạo đức.
Ngày đi tiêm, chúng tôi thức dậy khá sớm và đến nơi tiêm chủng khi trời chưa sáng. Đây là điểm do quân đội thực hiện tiêm. Lúc này, mọi người đã xếp hàng khá đông và tôi có thấy nhiều người cũng như mình, trẻ - khoẻ - sống ở nơi "underserved".
Đúng 8h, mọi thứ bắt đầu vận hành như một chiếc máy được tra dầu hoàn hảo. Sau 20 phút, tôi có mặt tại cổng, nơi nhân viên kiểm tra xem có đúng là tôi sống ở "zip code" đó không (thông qua hợp đồng thuê nhà, hoặc thông qua hoá đơn điện thoại, điện lực...). 15 phút sau, tôi được một hạ sĩ tiêm cho và chúc mừng. Tất nhiên, tôi không có quyền lựa chọn Pfizer hay Moderna.
Thế nhưng, điều làm tôi quan tâm nhất, đó là bên trong khu vực tiêm chủng có dán một tấm bảng thông báo bằng hai thứ tiếng (Anh - Tây Ban Nha), đại ý là nếu bạn là một người nhập cư bất hợp pháp và đang ở đây để tiêm, thì ICE (Cơ quan di trú Hoa Kỳ - nơi chịu trách nhiệm trục xuất người di cư bất hợp pháp) cam kết không tiến hành truy bắt bạn trong bán kính 5 dặm từ điểm tiêm chủng. Điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn đang phạm tội trên nước Mỹ, bạn vẫn được quyền đến tiêm và chính phủ cam kết không dụ bạn đến chỉ để bắt bạn.
Lúc đó, tôi mới hiểu rằng vắc xin không phải là một đặc quyền, mà là một quyền. Sự ưu tiên là một biện pháp chẳng đặng đừng trong bối cảnh thiếu thốn vắc xin. Và sự ưu tiên không chỉ dựa trên tình trạng của người được tiêm, mà còn dựa trên một mục tiêu lớn hơn là bảo vệ cộng đồng.
Không quan trọng bạn có phải là người dân Hoa Kỳ hay là người di cư bất hợp pháp, virus không phân biệt - và nếu bạn được bảo vệ, thì tôi cũng được bảo vệ. Đó cũng là lý do mà TP Philadelphia lựa chọn tiêm chủng đại trà cho "zip code underserved" như nơi tôi ở.
Tất nhiên, ưu tiên vẫn phải dành cho những đối tượng không có khả năng né tránh virus bằng những biện pháp khác, những người dễ bị tổn thương, những người có thể không làm ra một xu nào cho nền kinh tế nhưng mạng sống của họ cũng quan trọng không kém, vì sự tồn tại của họ có ý nghĩa tinh thần cho nhiều người, và cho cả đất nước.
Thời điểm tôi được tiêm, việc tiêm cho những người thoả mãn điều kiện về độ tuổi và ngành nghề vẫn diễn ra. Cái chính là mọi thứ diễn ra rất công khai, minh bạch. Nếu chưa đến lượt bạn, đơn giản vì có người cần nó hơn. Khi lý lẽ thông thường đó không được tôn trọng thì đừng thắc mắc vì sao người ta cảm thấy xã hội thật bất công.
Đối với tôi, đại dịch Covid-19 này giống như một trận thiên tai, và vắc xin cũng giống như một bao gạo cứu đói. Không một ai có lỗi khi dịch này xảy ra, kể cả đó là người đang ở tù, người nghèo, người giàu...
Chúng ta không trao gạo cho người có quen biết nhiều hơn, hay người làm ra nhiều tiền hơn, hay cán bộ cấp cao hơn, mà là cho người đang đói, đang ở vùng bị thiên tai, đang không có khả năng né tránh thiên tai.
Những thảo luận về đạo đức mà tôi đọc được trên reddit vì vậy rất quan trọng. Điều này chứng tỏ rằng xã hội đó vẫn sẽ lên án các hành vi ăn gian, lợi dụng chen hàng, lạm dụng chức quyền...
Tất nhiên, ở đất nước nào cũng sẽ có như vậy, Mỹ cũng vậy. Nhưng hơn kém nhau ở chỗ, đất nước nào mà những người ăn gian ngang nhiên công khai, khoe khoang về những điều họ làm... vì họ không phải chịu hậu quả gì, và trên hết họ cũng không nghĩ điều đó là sai, là lố bịch, là kiêu ngạo.
Khi xã hội có những con người như vậy tồn tại, thì tổn thương lớn nhất lại chính là sự đoàn kết vốn dĩ đã rất khó đạt được.
Ngay cả ở Philadelphia, tham nhũng vắc xin xảy ra ngay từ những ngày đầu nhưng đã bị phanh phui và kẻ tham nhũng đã phải chịu trách nhiệm.
Một chính sách vắc xin nhân đạo nếu không thể loại bỏ hết những bất công, thì phải sẵn sàng thừa nhận sai lầm và trừng phạt những hành vi tham nhũng, tham ô. Lợi ích lâu dài của một đất nước không có xung đột vì bất bình đẳng lớn hơn rất nhiều lợi ích trước mắt của việc PR, giữ hình ảnh cho một chiến dịch hay một ai đó.
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Các ý kiến và bài viết trao đổi sâu có thể gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Cách ly F1, F0 tại gia: Cách nào để không biến cả nhà thành ổ bệnh
Cách ly y tế F1 tại nhà là quyết định hết sức khó khăn của lãnh đạo ngành y tế TP.HCM. Là người từng ở vị trí quản lý và đưa ra những quyết định thay đổi táo bạo để cải cách, tôi hiểu điều này khó như thế nào.