Theo Hội khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam (VECEA), trong khâu sản xuất năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%).
Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả cũng không kém. Để sản xuất ra cùng một sản phẩm, ngành công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi tại Việt Nam, các ngành công nghiệp hiện đang sử dụng đến 47% tổng năng lượng.
Việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả và lãng phí chính là tiềm năng tiết kiệm năng lượng cần được quan tâm, khai thác hiện nay. |
Việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả và lãng phí chính là tiềm năng tiết kiệm năng lượng cần được quan tâm, khai thác hiện nay.
Theo nghiên cứu từ Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, phát điện than là 25%, ngành dệt/may mặc là 30%, công nghiệp thép là 20%, chế biến thực phẩm là 20%... Việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tình trạng thất thoát và lãng phí trong cung cấp và sử dụng năng lượng không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, gia tăng chi phí trong sản xuất kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia cũng như gây nên những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu.
Qua công tác theo dõi, kinh nghiệm thực tiễn từ phòng Quản lý năng lượng thì có một số giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình, doanh nghiệp có thể áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất, như:
Bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, tận dụng không gian, thời gian, nâng cao hiệu suất hoạt động dây chuyền.
Hệ thống chiếu sáng cần tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng đèn hiệu suất cao như đèn LED thay thế đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, đèn cao áp... Các giải pháp này giúp tiết kiệm điện tiêu thụ nhưng vẫn đảm bảo độ chiếu sáng, có tuổi thọ cao, an toàn, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Thường xuyên kiểm tra, khắc phục rò rỉ khí nén, giúp tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ của máy nén khí.
Lắp biến tần cho các động cơ hoạt động với tải biến thiên như bơm, quạt, máy nén khí, băng tải, máy cán... giúp giảm dòng khởi động, tăng tuổi thọ động cơ, tiết kiệm điện trong quá trình khởi động và vận hành.
Thực hiện bảo ôn đúng cách các bề mặt dẫn nhiệt, giảm thất thoát nhiệt trong quá trình vận hành.
Khi đầu tư mua sắm thiết bị mới như máy biến áp phân phối, động cơ điện, đèn chiếu sáng, thiết bị văn phòng... cần mua loại có dán nhãn năng lượng nhằm đảm bảo mức hiệu suất năng lượng theo quy định.
Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, giúp doanh nghiệp kiểm soát và duy trì kết quả thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, đảm bảo vấn đề quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được theo dõi thường xuyên và mang lại những kết quả lâu dài, bền vững.
Việc xây dựng kế hoạch, chính sách tiết kiệm năng lượng cũng rất thiết thực, đặc biệt cần thực hiện trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng hiệu quả thực hiện tốt sẽ bảo tồn được nguồn năng lượng quốc gia, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Minh Đức