Mới đây, Ủy Ban Kinh tế vừa có báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể, song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.
Thị trường TPDN Việt Nam đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ khoảng 45%/năm trong giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, thị trường đã sụt giảm đáng kể từ năm 2022 do những thay đổi về môi trường kinh doanh, khuôn khổ pháp lý và một số sự cố liên quan đến vi phạm quy định phát hành.
Sự suy giảm vai trò của TPDN đặt ra thách thức lớn cho việc đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.
Diễn biến những năm qua cho thấy, thị trường TPDN đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Cụ thể, quy mô thị trường còn nhỏ so với nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp. Tổng dư nợ TPDN tại thời điểm cuối tháng 8/2024 chỉ đạt khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP. Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (54% GDP), Singapore (25%), Thái Lan (27%).
Cơ cấu phát hành chưa hợp lý khi phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng quá lớn (khoảng 88%), trong khi phát hành ra công chúng còn rất hạn chế (khoảng 12%). Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp từ nhà đầu tư đại chúng mà còn tạo ra rủi ro về tính minh bạch của thị trường.
Bên cạnh đó, cơ cấu nhà đầu tư còn mất cân đối, với tỷ trọng lớn là các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân, trong khi các định chế tài chính chuyên nghiệp như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm còn tham gia hạn chế...
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cải thiện và phát triển thị trường TPDN Việt Nam theo hướng bền vững, minh bạch và hiệu quả hơn.
Muốn làm được vậy đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ các cơ quan quản lý, các định chế tài chính và bản thân các doanh nghiệp phát hành để xây dựng một thị trường TPDN lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu huy động vốn ngày càng lớn của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Để lành mạnh hoá thị trường TPDN, hiện nay dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đang được đưa ra bàn thảo.
Bên cạnh việc luật hóa hành vi thao túng chứng khoán với quy định hạn chế giao dịch với nhà đầu tư cá nhân, để bảo vệ thị trường, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) còn yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành (ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định).
Tại phiên họp thứ 38, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu ý kiến của Uỷ ban Kinh tế (cơ quan được giao thẩm tra nội dung sửa Luật Chứng khoán) về nội dung này.
Để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cung cấp các số liệu như cơ cấu nhà đầu tư TPDN riêng lẻ, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc giới hạn nhà đầu tư chỉ là tổ chức trong dài hạn.
Tham gia thẩm tra, có ý kiến cho rằng, nhà đầu tư cá nhân là nhóm nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường TPDN riêng lẻ, việc loại nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫn đến thị trường TPDN bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp.
"Vì vậy, ý kiến này cho rằng không nên loại bỏ đối tượng này, thay vào đó nên giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, bảo đảm cá nhân chuyên nghiệp đánh giá được mức độ rủi ro của TPDN riêng lẻ khi tham gia đầu tư", báo cáo thẩm tra nêu.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn, ông Lưu Minh Sang, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM bình luận về những thay đổi về quản lý TPDN: Thay vì tiếp cận theo hướng dựng lên hàng rào kỹ thuật một cách cực đoan, nhà chức trách nên xem xét một chính sách cân bằng hơn giữa mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Một cách tiếp cận hợp lý có thể là phân loại các loại trái phiếu dựa trên mức độ rủi ro. Theo đó, chỉ yêu cầu tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh ngân hàng cho các loại trái phiếu có mức độ rủi ro cao, có kết quả xếp hạng tín nhiệm thấp hoặc không có kết quả xếp hạng tín nhiệm. Đối với các doanh nghiệp có tín nhiệm tốt hoặc có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thì có thể được phép phát hành trái phiếu không cần kèm theo biện pháp bảo đảm. |