TS. Trần Lê Đăng Phương (Trường Đại học An Giang) rút ra điều này sau khi nghiên cứu thực tiễn hoạt động bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hơn 4.500 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống được công nhận; riêng Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, gồm hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu.
Rất nhiều trong số này đã có hàng trăm năm tuổi, như: làng nghề nổi tiếng Bát Tràng. làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) với hơn 900 năm phát triển; nghề chạm bạc ở Đồng Xâm (Thái Bình), hay nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) cũng đã hình thành cách đây hơn 400 năm.
Kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất cơ bản để làm ra các sản phẩm của làng nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự phát triển của làng nghề đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Tuy nhiên, một thách thức lớn hiện nay là tại nhiều làng nghề, các chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và trở thành vấn đề bức xúc trong cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội. Xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề đã và đang là vấn đề nhức nhối, nan giải.
Bàn về vấn đề này, TS. Phương lưu ý: Công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn cũng như hệ thống xử lý nước thải.
Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, mới chỉ có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%.
Trong số 47 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng trong cả nước, khu vực miền Bắc có số lượng lớn nhất với 34 làng nghề (chiếm 72,3%), khu vực miền Trung có 11 làng nghề (chiếm 23,4%) và khu vực miền Nam có 2 làng nghề (chiếm 4,3%).
Cũng theo TS. Phương, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xảy ra ở 3 dạng phổ biến.
Một là, ô nhiễm nước. Ở Việt Nam, các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước chủ yếu là quá trình xử lý công nghiệp như: Chế biến lương thực thực phẩm, mây tre, dệt, in, nung nấu kim loại, tẩy giấy và nhuộm… Thường thì nước thải ra bị nhiễm màu nặng và gây ra hiện tượng đổi màu đối với dòng sông nhận nước thải, có mùi rất khó chịu. Nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với các hàm lượng BOD, COD, SS, và coliform, các kim loại nặng… ở cả nước mặt và nước ngầm, làm chết các sinh vật thủy sinh và chứa các mầm bệnh nguy hại cho con người.
Hai là, ô nhiễm không khí gây bụi, mùi tại các làng nghề, phát sinh chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại, nhựa. Quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… đã làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm. Điển hình là làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (tỉnh Nam Định)…
Ba là, ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu (giấy, nhựa, kim loại…) hoặc do bã thải của các loại thực phẩm (sắn, dong), các loại rác thải thông thường. Nhựa, túi nilon, giấy, hộp, vỏ lon, kim loại và các loại rác thải khác thường được đổ ra bất kỳ dòng nước hoặc khu đất trống, làm cho nước ngầm và đất bị ô nhiễm các chất hóa học độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Điển hình là các làng nghề ở Hà Nội. Một lượng lớn rác thải, bã thải lớn từ các làng nghề không thể thu gom và xử lý kịp, nhiều làng nghề rác thải đổ bừa bãi ven đường đi và các khu đất trống. Điều đó gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là những người tham gia sản xuất, sinh sống tại các làng nghề và các vùng lân cận. Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn 10 năm so với làng không làm nghề.
“Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của đất nước hiện nay là một yêu cầu hết sức cấp bách. Cần phải có những cải cách ngay trong pháp luật, trong hành động cũng như trong nhận thức của người dân để cải thiện, bảo vệ môi trường và phát triển các làng nghề truyền thống hướng tới tăng trưởng xanh”, TS. Phương khuyến nghị.