Hết bát đĩa dát vàng, giới nhà giàu còn chi tiền triệu để tẩm bổ ngày Tết bằng bánh, rượu có vàng. Đặc biệt, với các quý ông việc sử dụng thức ăn, đồ uống có chứa vàng còn được xem như một cách để chứng tỏ đẳng cấp.
Sử dụng vàng ngày càng phổ biến trong giới quý tộc. Họ truyền tai nhau, khoa học đã nghiên cứu đã chứng minh những người ăn vàng có thể giúp cơ thể hoạt bát, cường tráng, giữ được nhan sắc và kéo dài tuổi thọ. Để sở hữu được những loại bánh dát vàng hay một chai rượu chứa vàng, không ít người đã phải bỏ ra vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mà không đắn đo gì.
Ông Nguyễn Đức Hải (Quận 4, TP.HCM) cho hay, năm nay thị trường xuất hiện các món ăn có dát vàng như một món ăn thời thượng. Món ăn này rất xa xỉ, chỉ có ở nhiều nhà hàng nổi tiếng trên thế giới.
Bộ bàn ăn dát vàng lấp lánh |
Lý do duy nhất để vàng trở thành nguyên liệu món ăn và biến những thực phẩm ấy trở nên đắt đỏ là bởi chúng có giá trị kinh tế cao, hiếm có và là biểu trưng cho quyền lực, sự chịu chơi của khách hàng.
Loại bánh kem có dát vàng được bán với giá khá cao và hiếm nên chỉ dành cho giới nhà giàu. Trước đó, muốn ăn vàng, khách phải tìm đến những nhà hàng đẳng cấp như khách sạn Hoàng cung Kempinski tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hay khách sạn Emirates Place ở Abu Dhabi, UAE.
Tại một cửa hàng ở TP.HCM vừa giới thiệu ra thị trường phủ vàng thật có thể ăn được. Mỗi chiếc bánh có trọng lượng 470 gam. Giá bánh phủ vàng dao động từ 2 triệu đến 4 triệu đồng. Riêng khách hàng có nhu cầu chỉ mua bánh thì giá khoảng 500.000 đồng mỗi bánh.
Theo đại diện đơn vị bán hàng, sản phẩm bánh phủ vàng độc nhất thị trường dịp Tết Đinh, toàn bộ vàng thật được nhập từ Pháp về làm nguyên liệu cho bánh. Số lượng khách hàng đặt mua lên tới hơn 100 đơn hàng.
Bánh có chứa vàng đang được giới đại gia mua ăn Tết |
Không chỉ ăn vàng, mà giới đại gia còn uống vàng. Loại rượu vảy vàng có nguồn gốc từ Nhật đang được bày bán tại nhiều cửa hàng đồ uống. Theo quảng cáo trên một trang thương mại điện tử: “Rượu mơ vảng vàng của Nhật thích hợp cho cả nam và nữ bởi độ cồn rất ít chỉ 13%. Các nhà khoa học Nhật Bản đã dùng kỹ thuật hiện đại tinh luyện vàng đến độ tinh khiết cao, tạo ra những tấm vàng mỏng gần như trong suốt để cho vào thức ăn hoặc rượu Sake để uống”.
Mức giá của mỗi chai rượu khoảng 600.000 đồng loại chai 500ml. Ngày nay thực phẩm vàng đã trở thành món ăn phổ biến ở Nhật Bản. Trên thị trường hiện nay có đến hơn chục thương hiệu rượu (chủ yếu hàng nhập khẩu) được quảng cáo có pha bột vàng hoặc vụn vàng.
Một khách hàng ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đã từng uống rượu vẩy vàng của Nga, chia sẻ: Khi uống vào thì không khác gì rượu bình thường nhưng có mùi thơm hơn, đồng thời nghe người bán quảng cáo rượu tốt cho sức khỏe nên quyết định mua.
Rượu chứa vảy vàng cũng được bày bán ở nhiều cửa hàng đồ cao cấp |
Trao đổi với PV về loại rượu vảy vàng đang được bày bán tràn lan trên thị trường, PSG TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ và Thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội), cho hay, không chỉ người Trung Quốc mà người Nhật Bản cũng thích chơi sang, hay dát vàng vào các món ăn và rượu.
Còn PGS.TS Trần Hồng Côn, một chuyên gia về hóa học cho biết, công nghệ đưa vàng vào rượu đã có từ lâu ở các nước trên thế giới. Nó không khác nhiều so với kỹ thuật dát vàng ở Việt Nam, nhưng kích thước vàng nhỏ hơn. Lượng vàng này được đưa vào rượu tạo nên độ lấp lánh cho rượu.
PGS Côn giải thích, về mặt cơ học, do được tán rất nhỏ nên sẽ không ảnh hưởng gì đến các cơ quan nội tạng khi uống, "vào bao nhiêu, thải ra bấy nhiêu". Còn về mặt hóa học, vàng cũng không độc hại. Hơn nữa, vàng và bạc có tính diệt khuẩn rất tốt. Có lẽ đó là lý do khiến người ta quảng cáo uống rượu này có lợi cho sức khỏe.
Theo quy định của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế), vàng là phụ gia thực phẩm mang màu, có ký hiệu là E175.
D.Anh