Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, với mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc thù, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách, ngành du lịch tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới bạn bè trong nước và quốc tế để tạo sức hấp dẫn đối với du khách và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế du lịch. 

Đặc biệt, Nam Định đã tổ chức các cuộc thi ảnh, thi thiết kế logo du lịch Nam Định, xuất bản ấn phẩm sách ảnh du lịch Nam Định, bản đồ du lịch Nam Định; tổ chức Hội chợ Du lịch thương mại Nam Định, tham gia các hội chợ quảng bá xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhờ đó, việc tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh, thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan và các đối tác hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch biển của địa phương được tăng cường. 

Bãi biển Quất Lâm (Nam Định).

Bên cạnh đó, để quảng bá các sản phẩm du lịch biển và liên kết các tour, tuyến du lịch, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát tuyến, điểm du lịch tỉnh và triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Nam Định với các địa phương để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của tỉnh và các địa phương khác tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Nam Định.

Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ, khảo sát cung cấp thông tin về thị trường du lịch trong nước và quốc tế. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã tăng cường quảng cáo các sản phẩm dịch vụ thông qua nhiều hình thức như: tờ rơi, tập gấp, website doanh nghiệp, các nền tảng ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội...

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, những năm qua, Nam Định đã khai thác phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch biển là một trong những trọng tâm được tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch Nam Định vẫn thiếu tính liên kết, như sản phẩm, chương trình, thương hiệu du lịch chủ yếu phát triển tự phát, theo mục tiêu ngắn hạn và thiếu tính bền vững. Đồng thời, nội lực cho phát triển du lịch còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên vốn có. Trình độ quảng bá sản phẩm còn lạc hậu, chậm được đổi mới. Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chất lượng lao động trong lĩnh vực du lịch còn thấp…

Để từng bước đưa du lịch Nam Định phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần tập trung đẩy mạnh phát triển liên kết kinh tế trong du lịch gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chiến lược liên kết phát triển với vùng Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cụ thể, cần nghiên cứu xây dựng bộ máy tổ chức phù hợp và cơ chế vận hành liên kết vùng, tiểu vùng và liên kết ngoại vùng. Cần thực hiện có lộ trình, chiến lược, xây dựng các tuyến điểm du lịch phù hợp, đảm bảo khai thác được lợi thế du lịch của các địa phương.

Trước mắt, cần có sự liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch giữa Nam Định với các tỉnh, thành lân cận. Cùng với đó, tỉnh cần có giải pháp liên kết ngành và tiểu ngành, coi trọng việc quy hoạch phát triển các ngành giao thông, nông nghiệp, văn hóa và hệ thống cơ sở đào tạo gắn với ngành du lịch.

Thuý Vi