Từng được tham gia lớp tập huấn về chuyển đổi số do Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức, anh Thào A Giàng, một người dân tộc thiểu số ở Mường Nhà, huyện Điện Biên đã được học các kỹ năng về biên tập thông tin, truyền thông, quảng bá hình ảnh sản phẩm địa phương trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo.
Anh Giàng cho hay, mặc dù đã biết qua về những ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy vi tính nhưng khi tham gia lớp tập huấn, anh hiểu kỹ hơn cũng như được thực hành thuần thục ứng dụng quảng bá sản phẩm trực tiếp trên máy. Sau khi học xong, anh đã tích cực truyền đạt lại những nội dung đó đến nhiều người dân trên địa bàn.
Phát huy vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số được tỉnh Điện Biên quan tâm đẩy mạnh thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên cho biết, những năm qua, Sở tham mưu ban hành kế hoạch thực hiện nội dung thông tin và truyền thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó triển khai các nhiệm vụ cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã vùng DTTS&MN.
Với mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS&MN tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội, Sở được UBND tỉnh giao thực hiện nội dung thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN.
"Chúng tôi đã trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã tại Quyết định số 1972/QĐ-UBND (3/12/2023). Dự kiến, dự án thực hiện đầu tư thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin tại 114 xã đặc biệt khó khăn và xã có thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024 – 2025”, ông Vũ Anh Dũng nói.
Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương tới bạn bè trong nước và thế giới; Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS&MN.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ hỗ trợ 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với đó, từng bước đưa vào bảo tồn các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.