Thông tin nêu trên vừa được đại diện Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC, thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết tại chương trình tập huấn và tọa đàm về triển khai IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước diễn ra ở TP.HCM trong 3 ngày từ 21/8 đến 23/8/2017.
Sự kiện này nằm trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, được ban hành kèm theo Quyết định 409 ngày 23/3/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT, để hỗ trợ khối các cơ quan Đảng, Nhà nước triển khai ứng dụng thế hệ địa chỉ IPv6 theo các quy định pháp luật hiện hành và theo lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Đại diện VNNIC cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, mức độ triển khai IPv6 của Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể. Cụ thể, tính đến tháng 7/2017, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10%, thời điểm cao nhất lên tới 25% (nguồn Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á Thái Bình Dương - APNIC) với hơn 3.500.000 người dùng IPv6 (nguồn phòng Lab Cisco), đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 6 khu vực Châu Á, với một số doanh nghiệp tiêu biểu đã triển khai IPv6 tới khách hàng đầu cuối như: FPT Telecom, Tập đoàn VNPT.
“Mặc dù tỉ lệ triển khai IPv6 chung của quốc gia có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, đối với mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tỉ lệ ứng dụng IPv6 còn thấp. Trong bối cảnh IPv6 trở thành giao thức Internet chính trên toàn cầu, việc chậm trễ trong triển khai ứng dụng IPv6 sẽ là điểm hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ công và triển khai ứng dụng Chính phủ điện tử”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Tham dự khóa tập huấn triển khai IPv6 diễn ra từ ngày 21 - 23/8/2017 tại TP.HCM, hơn 30 cán bộ đến từ các đơn vị chuyên trách CNTT của các Sở TT&TT, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban khu vực phía Nam được phổ biến về lý thuyết và thực hành về triển khai ứng dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, các học viên cũng được tạo điều kiện để trao đổi, thảo luận, đưa ra phương án tối ưu để triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của khối các cơ quan Đảng, Nhà nước; đặc biệt gắn với việc triển khai Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến.
Cũng trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm về triển khai ứng dụng IPv6, đại diện VNNIC cũng đã có bài trình bày về công tác triển khai DNSSEC cho các cơ quan Đảng, Nhà nước; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của DNSSEC trong việc triển khai, cung cấp các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến.
"Với quy định bắt buộc triển khai DNSSEC cho các tên miền quốc gia “gov.vn”, các cơ quan Đảng, Nhà nước nên bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và lên kế hoạch triển khai chi tiết cho hệ thống tên miền cũng như cho các tên miền quốc gia .VN do mình quản lý", VNNIC khuyến nghị.
Trước đó, cũng trong kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, trong tháng 7/2017, tại Đà Nẵng và Hà Nội, VNNIC cũng đã chủ trì tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn về triển khai IPv6 cho cán bộ đến từ đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành trên địa bàn miền Bắc, miền Trung và 3 cơ quan Đảng, Nhà nướcgồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.
Về kế hoạch trong thời gian tới, theo VNNIC, dự kiến thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ, làm việc, hợp tác với các đơn vị chuyên trách CNTT của khối cơ quan Nhà nước ở cấp Trung ương cũng như các Sở TT&TT để thúc đẩy triển khai IPv6, nâng tỷ lệ truy cập qua IPv6 của khối mạng, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước; góp phần đảm bảo hoàn thành mục tiêu quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn và tin cậy trên nền tảng công nghệ từ năm 2019.