- "Mỗi ngày anh em phải làm việc từ 16 - 18 tiếng, công việc cực nhọc lại bị cai tàu đối xử thậm tệ, đánh đập triền miên. Không chịu nổi, mấy anh em đành liều mạng nhảy xuống biển để thoát khỏi đó" - một thuyền viên kể.
8 tháng kinh hoàng
Ngày 15/8, 2 người quê Nghệ An thuộc nhóm các thuyền viên vừa nhảy trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta (chủ tàu Đài Loan) đã về đến nhà. Trước đó vài ngày, gia đình, người thân và hàng xóm đã tụ tập mong ngóng, đón chờ thông tin của họ.
Từ sáng sớm, khi biết tin Trần Văn Dũng một trong 4 thuyền viên liều mạng nhảy trốn khỏi tàu trở về, rất đông người dân đã đổ về căn nhà cấp 4 lụp xụp của ông Trần Văn Chắt (bố Dũng) ở xóm 5 xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) để hỏi thăm.
Thuyền viên Trần Văn Dũng về nhà vào sáng 15/8. |
Gương mặt mệt mỏi sau mấy ngày liên tục di chuyển đường dài, Dũng cố gắng kể lại những ngày lao động cực nhọc trên tàu cá.
Dũng kể: "Tàu có 23 thuyền viên trong đó có 10 người Việt Nam, còn lại là lao động đến từ Indonesia, Myanmar và Philliphines. Bọn tôi lên tàu rời cảng vào ngày 20/12/2012 sau đó lênh đênh trên biển 8 tháng trời không hề biết đất liền, không biết tin tức gì và cũng không liên lạc được về nhà.
Ngay từ mấy ngày đầu, các thuyền viên đã bị thuyền trưởng
người Đài Loan và hai cai tàu người Trung Quốc chửi rủa và đánh đập.
Nhất là máy trưởng người Đài Loan, ông này già rồi nhưng rất ác, nhiều lần
dùng cả búa và cờ lê đánh liên tiếp vào đầu thuyền viên. Thậm chí ông còn đổ cả
dầu máy lên người anh em".
Cũng theo thuyền viên Trần Văn Dũng, lúc vừa lên anh đã được phân làm lái tàu, mỗi ngày làm từ 16 – 18 tiếng. Thời gian ít ỏi còn lại giành cho cả ăn và ngủ.
"Công việc đã vất vả, tôi lại bị máy trưởng đánh đập liên miên. Có ngày tôi bị đánh đến hai, ba lần. Thậm chí có khi tôi bị cả máy trưởng đánh cho ngã gục, rồi còn bị dẫm đạp lên người, chảy cả máu mũi, đau lắm nhưng đành phải cắn răng chịu.
Bà Đậu Thị Ngọc ứa nước mắt khi nghe con trai kể chuyện bị đánh đập. |
Thuyền viên bị đánh rất ác nhưng không ai dám chống lại. Thuyền trưởng và các cai tàu thường liên hệ với nhau, bọn họ nói nếu ai dám chống sẽ bị đánh và quăng xuống biển" - anh Dũng nhớ lại.
Cùng làm trên tàu với Dũng, anh Hoàng Văn Hậu (bản Hạnh Tiến, xã Châu Tiến, Quỳ Châu) vẫn còng rùng mình khi nhớ lại: "Tôi xuống thuyền được phân làm bộ phận trực máy, trong vòng 5 tháng đầu bị máy trưởng đánh đập liên tục.
Có khi làm trái ý, tôi bị cơ trưởng dùng búa, cờ lê đánh liên tiếp vào đầu, chân tay. Làm được 5 tháng bị đánh đập nhiều lần quá, không chịu đựng được tôi phải xin lên rải câu trên bong tàu".
Liều mạng nhảy xuống biển thoát thân
"Làm việc quần quật mà vẫn bị đánh đập, mấy anh em rất lo lắng khi biết tàu này cứ 2 năm mới cập cảng. Tuy nhiên ngày 3/8, tàu Hsieh Ta phải kéo một tàu cá khác bị hỏng máy vào cảng Tahiti (ven Thái Bình Dương, thuộc CH Pháp - PV).
Rất đông người dân đến chia sẻ với gia đình thuyền viên. |
Nhận thấy đây là cơ hội tốt, chúng tôi bàn nhau sẽ nhảy khỏi tàu để trốn thoát" - anh Dũng kể.
Theo lời kể của anh Trần Văn Dũng, khoảng 9 - 10h ngày 8/8 khi chiếc tàu cách bờ chừng 4 hải lý, 4 thuyền viên gồm Trần Văn Dũng, Hoàng Văn Hậu, Lê Đình Anh (Vạn Ninh, Khánh Hòa), Nguyễn Văn Hùng (Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vớ lấy 2 chiếc phao rồi nhảy xuống biển.
"Lúc chúng tôi nhảy xuống biển và đang cố gắng bơi, thuyền trưởng và các cai tàu đều biết nhưng tàu Hsieh Ta chỉ chạy quần xung quanh. Chúng tôi bơi chừng một tiếng rưỡi thì mệt rã rời, gần như kiệt hết sức lực. Rất may lúc đó có một tàu cảnh sát biển đi tới, mấy anh em mới vẫy tay kêu cứu và được vớt lên.
Khi lên bờ anh em may mắn gặp một người Pháp lai Việt. Biết bọn tôi là thuyền viên lại hay bị đánh đập, người này đưa cho ít tiền, quần áo và nhờ cảnh sát giúp đỡ để được về quê. Bị tạm giữ khoảng 3 ngày thì 4 anh em được mua vé máy bay về nước" – Trần Văn Dũng kể chi tiết.
Theo ông Trần Văn Chắt, con trai ông đi XKLĐ theo hợp đồng với công ty Servico Hà Nội, nhờ một người trong làng làm môi giới. Tiền vốn khoảng 15 triệu đồng.
"Đến nay gia đình đã nhận được 2 quý tiền lương, mỗi lượt nhận được hơn 19 triệu đồng. Riêng quý đầu tiên công ty giữ lại 5 triệu làm cọc" - ông Chắt cho biết.
"Hôm trước nghe tivi báo có 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan, tôi như rụng rời chân tay. Đến chiều, lại nghe ông Đông (tức người môi giới XKLĐ cho Trần Văn Dũng – PV) trong 4 người đó có con tôi, tôi cứ như ngồi trên lửa. Chờ đợi 3 ngày chẳng thấy con về, lại bặt vô âm tín, tôi thật quá lo lắng, chẳng thể ngồi yên.
Bây giờ nó về an toàn rồi, tôi càng nghĩ lại càng thương con. Nghe con kể bị đánh đập, hành hạ mà tôi ứa trào nước mắt" - bà Đậu Thị Ngọc, mẹ thuyền viên Trần Văn Dũng nức nở.
Ông Hoàng Sơn, PCT UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết, địa phương này có khá đông lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có Đài Loan. Trước vụ việc này ít hôm, trên địa bàn có 2 nam thanh niên cũng vừa trốn tàu Đài Loan trở về, là Hàn Viết To (SN 1992, xóm 8 Sơn Hải) và Nguyễn Văn Tuấn (xóm 2, Sơn Hải). Hàn Viết To cũng khẳng định có tình trạng đánh đập liên miên trên tàu, không chịu nổi nên có 5 thuyền viên người Việt đã nhảy khỏi con tàu đang làm vệc để về nước. |
Cao Thái