Chiều 30/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sĩ (Chủ tịch Hạ viện) Martin Candinas đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch nước và Thủ tướng chào mừng và tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.
Chủ tịch nước khẳng định, với chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Thụy Sĩ trên tất cả lĩnh vực.
Việt Nam và Thụy Sĩ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, lâu đời, hai nước còn nhiều tiềm năng dư địa hợp tác, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Chủ tịch Hạ viện Martin Candinas ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, nhất là chính trị, ngoại giao, chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau tại diễn đàn khu vực và quốc tế.
Kinh tế, thương mại và đầu tư là một trọng tâm trong hợp tác hai nước. Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ có thế mạnh trong lĩnh vực như: Tài chính, ngân hàng, công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo… đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu.
Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas tán thành với đề xuất của Chủ tịch nước. Ông cho biết, doanh nghiệp Thụy Sĩ mong muốn đầu tư và mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Về EFTA, Chủ tịch Hạ viện cho biết, các bên liên quan đang tích cực hoàn tất thỏa thuận để có thể sớm ký kết văn kiện này.
Đánh giá cao cộng đồng người Việt, ông Martin Candinas cho biết, Thụy Sĩ sẽ xúc tiến nhiều hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề. Với thế mạnh về tự động hóa, công nghiệp robot, Thụy Sĩ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong sản xuất công nghiệp, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Thụy Sĩ chú trọng vai trò chiến lược của Việt Nam tại Đông Nam Á
Còn tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nhà lãnh đạo đánh giá, Thụy Sĩ hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, đứng thứ 22/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều dự án đầu tư nhất ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư FDI là 1,903 tỷ USD với 206 dự án.
Từ 1991-2021, Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA khoảng 600 triệu USD hỗ trợ Việt Nam.
Hai bên đã duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp kể cả trong bối cảnh đại dịch. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ tại diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc.
Kinh tế thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất....
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng, cần kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và Việt Nam – Thụy Sĩ cần hợp tác chặt chẽ hơn.
Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Thụy Sĩ mở rộng đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn, Thụy Sĩ - với vai trò là một nước có tiếng nói quan trọng trong khối Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) - tiếp tục thúc đẩy việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EFTA.
Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Thụy Sĩ cũng như các nước thành viên khác trong khối EFTA để sớm thu hẹp khoảng cách đối với những nội dung còn tồn tại giữa hai bên.
Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas bày tỏ ấn tượng với vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Thụy Sĩ, đánh giá Việt Nam đang phát triển năng động với sản phẩm mới như xe điện...
Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ cho biết, ông và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao đổi thực chất và cởi mở về thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là ở kênh nghị viện, đồng thời có cuộc làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam nhằm đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Ông khẳng định Việt Nam có vai trò chiến lược trong quan hệ của Thụy Sĩ với khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Thụy Sĩ như Nestle đều cho biết hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài tại đây.
Thụy Sĩ sẽ tiếp tục ưu tiên Việt Nam về hỗ trợ phát triển, thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực với Việt Nam. Thụy Sĩ quan tâm và mong muốn sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EFTA, kỳ vọng hai bên có thể ký kết trong năm 2024.
Quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ: Nửa thế kỷ bền chặt, tự tin hướng về tương lai
Trong vòng 50 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ đã phát triển, mở rộng và sâu đậm hơn. Những thành tựu đạt được cho thấy sức mạnh của mối quan hệ đối tác này cũng như niềm tin và cam kết cho tương lai.