Với phán quyết này, Thụy Điển sẽ đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa bằng cách trừng phạt nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson.
Thụy Điển giữ nguyên lệnh cấm Huawei |
Vào tháng 10 năm ngoái, Cơ quan quản lý viễn thông Thụy Điển (PTS) đã bất ngờ đưa ra quyết định cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G cho các công ty di động Thụy Điển do lo ngại về vấn đề bảo mật trong mạng viễn thông. Sau quyết định này của PTS, Huawei đã đưa vấn đề này lên tòa án Thụy Điển.
Trong một tuyên bố mới đây, phía tòa án Thụy Điển cho rằng, vấn đề an ninh của Thụy Điển có tầm quan trọng rất lớn.
Đứng trước quyết định này của tòa án Thụy Điển, phía Huawei cho biết họ đang cân nhắc các lựa chọn của mình.
Kenneth Fredriksen, Phó Chủ tịch điều hành của Huawei, khu vực Trung - Đông Âu và Bắc Âu, nói với Reuters rằng: “Không có gì bất ngờ khi tòa án đang đưa ra kết luận của họ dựa trên các giả định của cơ quan an ninh Thụy Điển (SAPO). Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để giành quyền có mặt tại thị trường Thụy Điển”.
Chính phủ các quốc gia châu Âu đã thắt chặt kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G sau áp lực ngoại giao từ Washington, vốn cáo buộc thiết bị Huawei có thể bị Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp. Huawei đã nhiều lần phủ nhận vấn đề này.
Ru-ma-ni là quốc gia mới nhất trên thực tế đã cấm Trung Quốc và Huawei tham gia vào việc phát triển mạng viễn thông 5G của họ tại nước này.
Những rắc rối của Huawei không chỉ giúp các công ty như Nokia và Ericsson giành thị phần ở châu Âu, mà còn giúp cho Samsung tiến vào châu lục này bằng cách ký hợp đồng cấp thiết bị mạng 5G cho tập đoàn viễn thông Vodafone của Anh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển không thể đưa ra bình luận ngay lập tức. Tuy nhiên, Bắc Kinh trước đó đã phản ứng giận dữ với việc Huawei bị gọi là mối đe dọa an ninh.
Họ đã yêu cầu Thụy Điển ngay lập tức “sửa chữa sai lầm” khi cấm Huawei và đưa ra một cảnh báo kín đáo trong tháng này rằng họ có thể có hành động trả đũa đối với Ericsson.
Một phát ngôn viên của Ericsson cho biết quyết định của PTS, hiện đã được tòa án khẳng định, “có thể tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế của Thụy Điển và ngành công nghiệp Thụy Điển, bao gồm cả của Ericsson”.
Ericsson, công ty nhận khoảng 10% doanh thu từ Trung Quốc, đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc cấm Huawei và lo ngại nguy cơ mất thị phần ở thị trường Trung Quốc.
Một đại diện của SAPO đã từ chối bình luận và chuyển câu hỏi cho PTS. PTS cho biết họ sẽ cần phải phân tích phán quyết trước khi đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Phan Văn Hòa (theo Reuters)
Lãnh đạo Huawei bất ngờ tuyên bố mong nối lại quan hệ với công ty Mỹ
Phó chủ tịch Huawei Vincent Peng mới đây đã gửi thông điệp cho thấy gã khổng lồ Trung Quốc muốn được nối lại quan hệ hợp tác với các công ty Mỹ.