Theo nguồn tin từ DealstreetAsia, kế hoạch sáp nhập giữa 2 gã khổng lồ thương mại điện tử Việt Nam là Tiki và Sendo có khả năng bị hủy bỏ. |
Theo nguồn tin từ DealstreetAsia, kế hoạch sáp nhập giữa 2 gã khổng lồ thương mại điện tử Việt Nam là Tiki và Sendo có khả năng bị hủy bỏ.
"Hàng loạt cổ đông không đồng ý với những điều khoản của vụ sáp nhập vì thế thỏa thuận này hiện đang tạm thời bị ngưng vô thời hạn", một nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết.
Một trong những nhà đầu tư không hài lòng với những điều khoản của thương vụ sáp nhập được cho là JD.com – một nhà bán lẻ có trụ sở ở Bắc Kinh – nhà đầu tư lớn vào Tiki và hiện đang có vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định tại Tiki.
Một lãnh đạo khác liên quan tới vấn đề nói rằng Covid-19 cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến việc thương vụ kể trên "đổ bể". Người này bổ sung thêm rằng tình hình kinh doanh giữa 2 công ty đang ngày càng khác biệt trong đại dịch. "Các điều khoản sáp nhập đã được đồng ý dựa vào tình hình trước đại dịch. Trong dịch Covid-19, tỷ lệ sáp nhập đã chuyển đáng kể nghiêng về hướng Tiki nhưng các nhà đầu tư cảm thấy rằng thỏa thuận không tạo ra bất kỳ ý nghĩa chiến lược nào cho công ty này".
Trước khi thương vụ đổ bể, cả 2 công ty đã đang ở giai đoạn tiến bộ của thỏa thuận. Họ thậm chí đã tiến đến thỏa thuận về đội ngũ nhân sự và hệ thống gồm cả việc sẽ chuyển nhân viên Sendo vào văn phòng của Tiki.
Vị lãnh đạo được nhắc đến ở trên nói rằng cấp độ nhà sáng lập ở cả 2 công ty đều rất "thích thú" với thương vụ này. Tuy nhiên, những cổ đông chính ở Tiki gồm cả VNG đã nhìn nhận rằng khủng hoảng covid-19 đã tác động tiêu cực đến lợi thế chiến lược cho thương vụ.
Tiki và JD.com hiện từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Phía Sendo cũng giữ im lặng.
Thông tin gần nhất về thương vụ giữa Tiki và Sendo đến sau khi Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết thương vụ không bị cấm bởi luật cạnh tranh.
Thương vụ sáp nhập Tiki và Sendo được cho là một trong những sự kiện đáng chú ý trong giới startup Việt Nam năm 2020. Nếu không thành công, cả 2 sẽ rơi vào thế khó nếu muốn huy động thêm vốn và như vậy việc đánh bại được các gã khổng lồ trong khu vực càng trở nên khó khăn hơn.
Khi tờ Dealstreetasia lần đầu tiên đưa tin về khả năng sáp nhập, cấu trúc thỏa thuận được xem là rào cản lớn nhất với giao dịch. Một vài nguồn tin sau đó nói rằng một công ty cổ phần sẽ được thành lập để duy trì và điều hành 2 thương hiệu. Tiki và Sendo cũng không có chung cổ đông nào cả.
Tờ Dealstreetasia khi ấy cũng dự đoán Tiki có thể trị giá 2/3 công ty sau sáp nhập.
"Thương vụ sáp nhập sẽ biến Tiki và Sendo từ đối thủ cạnh tranh thành anh em", theo tờ DealstreetAsia. Điều này muốn ám chỉ rằng các sàn thương mại điện tử nội địa sẽ ngừng cạnh tranh nhau và thay vào đó kết hợp để đấu lại đối thủ ngoại.
Theo ước tính của Dealsteetasia, Tiki tới nay đã huy động được hơn 190 triệu USD trong khi đó Sendo huy động được ít nhất 122 triệu USD. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì mà 2 đối thủ ngoại gồm Shopee và Lazada nhận được từ các nhà đầu tư và công ty mẹ của họ.
Shopee hiện được chống lưng bởi tập đoàn Sea của Singapore. Gần đây, website này đã vươn lên thành ứng dụng thương mại điện tử phổ biến nhất dù là đơn vị vào Việt Nam sau cùng.
Theo Tổ Quốc/Dealstreetasia
Tiki lập gian hàng trên Sendo, mở đầu cho sáp nhập?
Tiki mở một gian hàng trên Sendo, củng cố thêm tin đồn hai bên sẽ sáp nhập.