Trong hai phiên giao dịch ngày 7-8/7, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) ghi nhận gần 62 triệu cổ phiếu NVB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận với 20.000 đồng/cp, cao hơn so với mức giá trên sàn hiện tại, ở khoảng 19.500 đồng/cp.
Với số lượng giao dịch, tổng giá trị của thỏa thuận này khoảng 1.200 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu chuyển nhượng tương đương với khoảng 15% số cổ phiếu NVB đang lưu hành.
Giao dịch diễn ra ngay sau khi Ngân hàng Quốc Dân công bố thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho NVB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đưa vốn điều lệ lên mức hơn 5.600 tỷ đồng.
Trước đó, đại hội cổ đông hồi thường niên hồi tháng 4 đã thông qua việc ngân hàng sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng so với mức hiện tại hơn 4.000 tỷ. Việc tăng vốn sẽ huy động từ chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng.
Đây được xem là bước đột phá của NCB sau chặng đường tái cơ cấu suốt những năm qua, là động lực cho cổ phiếu NVB trong thời gian tới. Hơn một năm qua, giá cổ phiếu NVB tăng gấp hơn 2 lần. NVB cũng là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua dòng mạnh nhất trong vài tháng đầu năm 2021 trên HNX.
Các ngân hàng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. |
Cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và là nhóm dẫn dắt trên thị trường chứng khoán nhờ lợi nhuận tăng mạnh và triển vọng khá tươi sáng. Tuy nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, áp lực chốt lời cũng đang tăng lên.
Gần đây, trong nhiều năm qua, các cổ phiếu ngân hàng thu hút được sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài. NCB gần đây hút giao dịch lớn từ các tổ chức trong và ngoài nước. Từ một cổ phiếu trung bình trên HNX, NCB đã hiện diện trong rổ HNX30. Trong suốt quý I/2021, NCB liên tục được các quỹ đầu tư lớn trên thế giới tại Anh/Thái Lan mua ròng và thường xuyên có mặt trong top 3 các cổ phiếu mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tiết lộ từ lãnh đạo NCB, ngân hàng đã kết nối với nhiều nhà đầu tư Nhật, Singapore,... và sắp tới sẽ mở rộng đón các nhà đầu tư chiến lược trong nước.
Ngân hàng Quốc dân (NCB) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) của đại gia Đặng Thành Tâm, trước đó là Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên. Navibank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân từ 22/1/2014 sau khi ông 'trùm' bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm rút lui trong bối cảnh Navibank bị buộc phải tái cơ cấu.
Sau đó, nhóm cổ đông do ông Nguyễn Tiến Dũng đại diện đã nhanh chóng tham gia và gánh vác nhiệm vụ tái cơ cấu trong nhiều năm qua
Ông Nguyễn Tiến Dũng là tiến sĩ chuyên ngành vật lý lý thuyết, bảo vệ luận án tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Liên Xô cũ). Từ năm 1990 đến 1993, ông là nghiên cứu viên tại Viện năng lượng nguyên tử quốc gia. Năm 1994, ông rẽ sang lĩnh vực kinh doanh với việc thành lập Gami Group. Ông chính thức tham gia vào NCB từ đầu 11/2017 với nhiệm vụ đầu tiên là tái cơ cấu ngân hàng này.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index quay đầu giảm về mức 1.370 điểm.
Theo SHS, VN-Index điều chỉnh với thanh khoản suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra không mạnh. Xu hướng thị trường hiện vẫn đang ở mức trung tính do VN-Index vẫn giữ được hỗ trợ trung hạn quanh 1.330 điểm (MA50) tuy nhiên rủi ro chuyển sang nhịp điều chỉnh sâu hơn với target quanh ngưỡng 1.210 điểm vẫn để ngỏ.
Sẽ cần quan sát thêm diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần xem VN-Index có thể lấy lại ngưỡng 1.385 điểm (MA50) không để nhận định về xu hướng tuần tiếp theo. Do đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 9/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co với biên độ trong khoảng 1.330-1385 điểm (MA20-ngưỡng tâm lý).
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 8/7, chỉ số VN-Index giảm 13,87 điểm xuống 1.374,68 điểm; HNX-Index giảm 3,85 điểm xuống 315,98 điểm. Upcom-Index giảm 0,65 điểm xuống 88,49 điểm. Thanh khoản đạt 23,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà