Lúc đi, ba lô nhét đầy vải đỏ, vải vàng, khi về ngoài vàng, tiền là đồng hồ, ví da, đồ trang sức hàng hiệu quý giá kiếm được nhờ buôn vải đỏ may cờ bán vào thời điểm Giải phóng miền Nam 30/4. Đây được coi là thương vụ buôn bán có '1 không 2', giúp một số người Thổ Tang kiếm bội tiền do chớp được thời cơ vàng.

Buôn từ cọng rơm đến vàng bạc

Vừa hoàn tất 3 chuyến xe măng, miến, nấm xuất cho các đầu mối dưới Hà Nội, trong lúc rảnh rỗi hiếm hoi, bà Nguyễn Thị Sâm tuổi đã ngoài 60 ở chợ Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ, tháng Tết luôn là tháng bận rộn nhất trong năm, mỗi ngày một cửa hàng có thể nhập vào cả chục ngàn tấn hàng.

“Ở đây, kho hàng hóa nhà nào cũng chất đầy, thậm chí có nhà có tới 2-3 kho dù không sản xuất ra một món hàng nào”. Bà nói và cho biết, Thổ Tang có truyền thống đi buôn bán, từ người trẻ cho tới người già. Họ buôn bán các loại hàng hóa, không trừ bất cứ một mặt hàng nào. Họ biết cách đem hàng từ chỗ thừa đến chỗ thiếu để bán.

{keywords}
Khắp vùng Thổ Tang dân buôn đủ loại mặt hàng và vẫn luôn nhắc nhau về thương vụ ấn tượng có một không hai

Bà Sâm chỉ dẫn: "Cô đi từ Quốc lộ 2 rẽ vào đến phố mới có đường hai chiều thì thấy, khu ấy toàn đại lý buôn quần áo, phân phối cho đủ các chợ từ miền xuôi lên miền ngược. Khoảng gần chục năm lại đây, phố mới đó mới được phát triển thêm ra, còn trước đây chỉ là khu đất hoang. Kế đến là khu phố chuyên của các cửa hàng đại lý bánh kẹo, mắm, muối, mì chính, nước ngọt, hàng gia dụng, vàng bạc, đồ điện tử, điện gia dụng, máy móc phục vụ nông nghiệp,... Đến đoạn chợ Thổ Tang thì chuyên hàng nông sản với đủ các loại rau củ, hoa quả của cả trong nước và nhập khẩu".

Buổi đêm, ở đây còn có chợ buôn rơm, buôn trâu bò, thậm chí buôn cả tro, trấu, mùn cưa. Nói chung, đi từ đầu đất Thổ Tang đến cuối đất Thổ Tang, mọi người có thể mua được tất cả các mặt hàng, từ những mặt hàng nhỏ có giá vài đồng đến những mặt hàng có giá hàng trăm triệu đồng.

“Mà ở đây buôn bán nhiều nên nhạy lắm, đi buôn còn thiết lập mạng lưới, cài cắm tai mắt khắp nơi để nắm bắt tình hình. Thế nên, cứ chỗ nào thấy hàng sốt, hàng khan là ngay lập tức hôm sau từng đoàn xe ô tô lớn nhỏ chở đầy hàng đến đó để bán”, bà nói.

Bà Sâm dẫn chứng, cách đây chục năm, ở quanh vùng giá gạo mới chỉ nhích lên mấy giá do khan hàng, hôm trước hôm sau hàng trăm tấn gạo đã được chở về Thổ Tang để phân phối cho các mối nhỏ khác.

Ở đây nhà nào cũng có người kinh doanh buôn bán. Như nhà bà, cả 5 anh chị em đều đi buôn từ thời thanh niên đến giờ, mỗi người buôn một mặt hàng khác nhau. Thế nên, Thổ Tang trở thành điểm trung chuyển hàng lớn nhất, là cửa ngõ để đưa hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược, từ miền ngược về lại miền xuôi, từ Bắc vào Nam,... bà Sâm chia sẻ.

Thương vụ buôn cờ có một không hai

Ngồi nghe chúng tôi nhắc đến chuyện đi buôn bán của người Thổ Tang, cô Bàng ở thôn Bắc Cường (Thổ Tang) liền cười rồi hỏi lại: “Thế đã biết tới thương vụ buôn cờ có một không hai trong lịch sử của người Thổ Tang chưa”?.

Cô Bàng nói, người dân địa phương khác buôn bán cũng rất giỏi, không kém cạnh gì so với dân Thổ Tang, nhưng chuyện tính toán trước thời cuộc, tận dụng được cơ hội vàng thì không phải ai cũng làm được.

Cô kể, vào những năm 1954, một số người dân ở Thổ Tang bắt đầu chuyển vào Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Thời ấy, họ buôn đủ các loại vải vóc từ ngoài Bắc đưa vào trong đó bán kiếm lời. Đến năm 1975, khi miền Nam sắp được giải phóng, họ bắn tin về cho những người thân ở quê chuẩn bị vải đỏ, vải vàng để may cờ, rồi cả ảnh Bác Hồ để đem vào niềm Nam bán cho người dân.

“Họ tính, khi miền Nam được giải phóng, cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ sẽ là mặt hàng được tìm mua nhiều nhất nên chuẩn bị hàng để chớp ngay lấy cơ hội này”, cô Bàng nói.

Theo đó, một nhóm người là người nhà của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học đã đi gom vải đỏ, vải vàng về Thổ Tang may cờ đỏ sao vàng. Lúc chuẩn bị giải phóng miền Nam thì cờ đã may xong, họ nhét đầy cờ, cuộn ảnh Bác vào ba lô theo xe bộ đội vào Sài Gòn. Vào đến nơi, xe bộ đội giải phóng đi đến đâu, họ theo sau bán cờ và ảnh Bác Hồ đến đó.

“Tôi nghe mọi người kể lại rằng, khi vào Nam bán cờ đỏ sao vàng, dân trong đó đang vui vì được giải phóng nên nhà có gì quý giá đều đem ra đổi lấy cờ, ảnh Bác để treo lên ăn mừng”, cô Bàng kể.

Khi thương vụ mua bán chưa từng có này kết thúc, nhóm người này lại chuyển về Thổ Tang sinh sống. Không ai biết họ kiếm chính xác được bao nhiêu tiền lời, chỉ biết rằng khi đi ba lô của họ nhét toàn cờ và ảnh Bác. Thế nhưng khi về, ngoài tiền, vàng, trong ba lô còn chứa đầy đồng hồ, ví da, trang sức là hàng hiệu cao cấp.

Tất cả những thứ quý giá đó đều là chiến lợi phẩm và nguồn lực góp phần để người dân Thổ Tang tiếp tục đầu tư làm ăn ngày càng mở rộng.

Bảo Phương