- Hàng loạt doanh nghiệp có đất vàng đã được cổ phần hóa (CPH) một cách nhanh chóng với sự xuất hiện của các đại gia lớn. CPH đang vào giai đoạn nước rút làm dấy lên nỗi lo giá bán không còn được như trước và đất vàng sẽ còn tiếp tục được bán với mức giá rẻ.

Sức hút đất vàng

Ngày 20/04/2016, Công ty TNHH MTV Hanel đã IPO 19,1 triệu cổ phiếu nhưng đã không thành công như mong muốn. Cổ phần đấu giá của Hanel ế tới gần 80%.

Kết quả phiên đấu giá thực sự bất ngờ bởi một vài năm trước đây Hanel là một cái tên nổi như cồn.Hanel khi đó được đánh giá sẽ trở thành “hàng hot” nếu khi IPO nhờ việc sở hữu 100% cổ phần khách sạn Daewoo (sau khi thâu tóm 70% cổ phần từ đối tác Hàn Quốc nhờ lợi thế trong liên danh từ những năm 90).

{keywords}
Cổ phần hóa bước vào giai đoạn thực chất hơn, Nhà nước thoái vốn triệt để.

Tuy nhiên, thực tế phiên đấu giá ngày 20/4 vừa qua đã cho thấy Hanel không hề hấp dẫn. Lý do của phiên IPO ế ẩm được nhiều NĐT giải thích là bởi Hanel đã không còn sở hữu 70% cổ phần khách sạn Daewoo. Hanel đã bán khách sạn này ngay sau khi mua lại hồi 2012 cho CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Đầu tư Hợp Thành 1.

Trước đó, Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vinacco) cũng chỉ bán được già nữa số cổ phần chào bán và thu về chưa tới 15 tỷ đồng. Đại gia khoáng sản Vinacomin cũng chỉ bán thành công 2,8% tổng khối lượng cổ phiếu chào bán.

Đây là những DN hoạt động không hiệu quả, hoặc nhà nước vẫn còn nắm giữ nhiều cổ phần và đặc điểm chung là không có nhiều đất vàng để hấp dẫn các đại gia. Ở chiều ngược lại, hầu hết các phiên IPO của các DN có đất vàng đều sốt xình xịch.

Cuối 2015, Bầu Thụy đã bỏ ra 1.000 tỷ đồng, gấp gần 10 lần giá chào bán, để sở hữu khách sạn Kim Liên, đơn vị đang nắm giữ 3,5ha đất vàng tại vành đai 1 Hà Nội. Trong phiên đấu giá hôm đó, DN Bầu Thụy phải vượt qua nhiều đối thủ khi khối lượng đăng ký mua đã vượt gấp 36,4 lần khối lượng chào bán.

{keywords}
DN sở hữu đất vàng có sức hút mạnh mẽ đối với các NĐT.

Hồi cuối tháng 3/2015, Trung tâm Hội trợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) cũng đã IPO thành công với 80% bán cho NĐT chiến lược. VEFAC sở hữu hơn 6,8ha đất vàng tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Những thương vụ kín

Không ít thương vụ bán vốn nhà nước tại các DN sở hữu đất vàng diễn ra kín tiếng nhưng rất sôi động. Đây được xem là cuộc đua giữa các đại gia hàng đầu trong giới doanh nhân Việt.

Hồi cuối 2014, trong khi giới đầu tư còn chưa hay tin về việc Khách sạn Thắng Lợi CPH thì một đại gia đã thâu tóm thành công khách sạn có lịch sử hoạt động gần 40 năm này và dự định xây dựng một khách sạn 5 sao trên mảnh đất vàng tại Hồ Tây.

Hơn một năm sau, thương vụ xôn xao thị trường địa ốc và khách sạn tại Hà Nội đã trở nên rõ ràng hơn. Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga chính là cổ đông mới của Thắng Lợi. Khách sạn cũng xác nhận BRG góp vốn đầu tư khách sạn này.

Một DN sở hữu lô đất vàng tại đường Nguyễn Chí Thành, Hà Nội cũng được nhiều đại gia nhòm ngó. Sau một thời gian nhiễu loạn thông tin về chủ đầu tư, dự án tổ hợp văn phòng, thương mại, căn hộ cao cấp đã hình thành mang. Tuy nhiên, cho đến nay thông tin cụ thể về việc mua bán góp vốn như thế nào của các đại gia vào dự án này vẫn là điều chưa được công bố.

Thời điểm hiện tại, cổ phần hóa đang vào giai đoạn nước rút. Hàng loạt các DN đăng ký IPO hoặc thoái vốn nhà nước. Nhiều DN sở hữu đất vàng đang vào tầm ngắm của các đại gia. Các phiên đấu giá thu hút nhiều NĐT như: Bến xe - Bến tàu Quảng Ninh, giá đặt mua cao gấp 5 lần so với giá khởi điểm (50.700 đồng/cp); Công ty Sách Việt Nam (2,6 lần); Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam Vinafor 1,2 lần…

Đã từ lâu cổ phần hóa được xem là một chủ trương đúng đắn. Nó giúp Việt Nam huy động được nguồn lực cho phát triển trong bối cảnh nhu cầu vốn cho nền kinh tế ngày càng lớn và cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh đầu tư nhà nước ngày càng hạn hẹn do nợ công tăng cao.

Tuy nhiên, việc ồ ạt bán cổ phần có thể khiến giá không được như trước đây. Lợi thế đất vàng luôn bị cảnh báo có thể bị bán rẻ và nhà nước thất thoát tài sản. Việc định giá tài sản là BĐS của DN một cách công khai như nhiều nước đang áp dụng có lẽ là cách để tránh tình trạng thất thoát nói trên.

M. Hà