Giá mà các chị, các mẹ bán lẻ tới tận tay người dân dù đã thấp hơn mọi năm nhưng có khi vẫn cao gấp đôi giá bán buôn ở quê vì dịch bệnh bị ép giá quá rẻ.

Từ hồi cuối tháng 5, chị Nguyễn Thu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã “rao” trên hội cư dân nơi chị sinh sống về chuyến vải sắp thu hoạch của gia đình ở quê. Bố mẹ chị ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, mỗi năm có chục gốc vải, thu hoạch được khoảng 4 tạ. Nếu như mọi năm, không vì dịch bệnh, mẹ chị thường tự chở vải đi chợ bán ở bến phà Đức Bác (Sông Lô) và các chợ ở TP Việt Trì (Phú Thọ).

{keywords}
 
{keywords}
Chị em bán vải giúp gia đình ở quê trên "chợ mạng".

“Nhưng năm nay do dịch Covid-19, các bến đò, bến phà đều bị cấm hoạt động, người dân không có phương tiện di chuyển nên không bán được vải. Nếu bán được giá cũng rất rẻ, chỉ 8-10 nghìn đồng/kg” - chị Thu chia sẻ.

Nhà neo người, đến mùa vải, em trai chị Thu phải về quê cùng mẹ hái vải, cân vải. Chị dù đang mang bầu 5 tháng nhưng cũng cố giúp mẹ tiêu thụ vải ở khu dân cư nhà mình trên Hà Nội để đỡ phải bán giá lỗ quá.

{keywords}
Vải chất đầy nhà chị Thu trong một khu dân cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo quan sát của chị, năm nay người dân trồng vải ở quê nhờ con cháu trên Hà Nội bán giúp rất nhiều. “Ở quê, do dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc nên giá rất thấp, chỉ bằng một nửa so với mọi năm. Còn tôi mang lên bán cho các chị em trong hội dân cư cũng được 25 nghìn đồng/kg. Nếu chỉ chờ bán được ở quê, chắc là vải rụng hết” - chị Thu nói.

Cũng giống như chị Thu, năm nay chị Hồng Loan (Hà Đông, Hà Nội) cũng bán giúp bố mẹ đẻ ở Trù Hựu, Lục Ngạn, Bắc Giang được khoảng 1 tấn vải cho dân cư trong khu chung cư nơi chị ở.

Chị Loan cho biết, hiện tại Lục Ngạn mới đang ở giữa mùa vải. Bà con ở quê đang ráo riết tìm đầu ra vì dịch bệnh khiến thương lái Trung Quốc và các nguồn tiêu thụ khác bị hạn chế.

“So với nhiều nhà, gia đình mình trồng ít, chỉ khoảng 3-4 tấn. Thương ông bà vất vả cả năm nên mình mang vải lên Hà Nội bán giúp cho đỡ mất giá”.

Chị Loan chia sẻ, dù mọi người trong khu chung cư ủng hộ rất nhiệt tình nhưng sau 4 đợt bán, chị cũng chỉ bán được khoảng 1 tấn. “Bán ở trong khu phải giao hàng đến từng nhà, hàng vải lại nặng nên rất mất thời gian và vất vả. Có những hôm đi ‘ship’ vải đến tối muộn, rã hết cả tay. Tôi lại có con nhỏ nên chỉ làm tranh thủ, giúp được ông bà bao nhiêu tốt bấy nhiêu”.

Bà mẹ 3 con cho biết, mọi năm chị cũng bán giúp ông bà nhưng chỉ bán ít, không nhiều như năm nay. Phần lớn bà con quê chị đến mùa thu hoạch đều bán buôn cho thương lái, không có thời gian để đi bán lẻ. Nhưng năm nay, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nhà phải trông vào nguồn đầu ra là người thân trên Hà Nội tiêu thụ giúp.

“Không ít nhà đến ngày hái mà không được hái vì chưa tìm được đầu ra. Bây giờ chính quyền và người dân đều đang lựa vào tình hình dịch để tìm cách tiêu thụ dần. Nhiều khu vực tâm dịch bị phong toả, cũng rất khó để vận chuyển vải ra khỏi vườn”.

{keywords}
Người nhà chị Loan hái vải lúc sáng sớm. 
{keywords}
Vải được bó sẵn thành từng túm nhỏ ngay tại vườn để dễ vận chuyển. 

Cả chị Loan và chị Thu đều cho biết, dù đã có đầu ra rồi nhưng khâu vận chuyển lên Hà Nội cũng phức tạp hơn.

“Xe khách không chạy nên tôi phải gửi ghép với taxi chở khách lên Hà Nội. Lên đến nơi, tôi phải nhờ chồng và bố đưa giúp lên nhà, chứ bầu bí không vác nổi” - chị Thu nói.

Còn chị Loan phải thuê xe khách nhỏ chở vào tận nơi. “Bây giờ xe khách không được chạy nên họ phải tháo hết ghế ra để chở hàng. Giá cước cũng rất cao - tới 400 nghìn đồng/1 tạ vải”.

Khổ nhất là khâu ngồi cân vải, chị Loan kể. Mặc dù ở quê mọi người đã bó thành từng chùm 2-3kg nhưng chỉ bó ước chừng. Để ra được giá tiền chính xác cho từng bó, chị lại phải ngồi cân trong tình trạng không được bật quạt vì vải gặp gió sẽ bị ngả màu, khô nhanh.

“Mỗi lần ngồi cân vải xong là áo ướt sũng mồ hôi” - chị Loan kể. Nhưng chị bảo, nỗi vất vả của người bán vải cũng chưa thấm thía gì so với bà con nông dân như bố mẹ chị. “Ông bà đã 60-70 tuổi. Cả năm chăm sóc, tưới tắm cho mấy sào vải, chỉ mong đến mùa thu hoạch cầm được chút tiền. Những năm mất mùa, không có vải mà bán, năm nay được mùa, vải ngon lại gặp dịch bệnh. Rủi ro nào, nông dân cũng là người phải chịu thiệt thòi nhất”.

“Ông bà gọi lên bảo không ngủ được vì vải. Có hôm vì mất ngủ, vì nóng, bà dậy từ 3-4 giờ sáng để ra vườn hái vải. Có nhà trồng nhiều phải hái từ 1-2 giờ sáng. Có nhà đưa cả con nhỏ ra vườn vải từ sáng sớm, mắc màn cho con ngủ ngay tại vườn. Thương ơi là thương” - chị Loan kể.

{keywords}
Năm nay, chính quyền cùng nông dân chật vật tìm cách tiêu thụ vải vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kể chuyện bán vải trên mạng, chị Loan cũng bảo có nhiều chuyện “không hay”. Bởi vì bên cạnh nhiều người bán vải nhà trồng thực sự thì cũng có nhiều người lợi dụng dịch bệnh mà “rao hàng” không đúng sự thật.

“Có khi vải nhập ngoài chợ không rõ nguồn gốc lại nói là vải nhà trồng, tự gắn mác vải Lục Ngạn, Bắc Giang. Trong khi thời điểm ấy, Lục Ngạn quê mình vải chưa chín. Tất nhiên, vải ở đâu cũng là do bà con nông dân trồng ra, nhưng là người Lục Ngạn, mình cũng thấy bức xúc khi dịch bệnh bị người ta lấy làm lý do để nói không đúng về thương hiệu vải Lục Ngạn”.

“Thực ra, vải Lục Ngạn có rất nhiều loại, giá cả khác nhau tuỳ thuộc nhiều yếu tố. Cũng có những loại ngon, tìm được đầu ra thì cũng vẫn bán được giá tốt, chứ không phải vì dịch mà vải nào cũng rẻ”.

Đăng Dương 

Ảnh: NVCC

Cách làm kem vải thiều siêu ngon, đơn giản tại nhà

Cách làm kem vải thiều siêu ngon, đơn giản tại nhà

Đang vào mùa vải, ngoài cách ăn trực tiếp, chị em có thể làm kem vải. Món kem mát lạnh thơm mùi sữa, nước cốt dừa kết hợp với vải ăn rất tuyệt vời. Cách làm kem vải sữa dừa cũng rất đơn giản.


Người phụ nữ mua 2 tấn vải Bắc Giang tặng bà con tổ dân phốNgười phụ nữ mua 2 tấn vải Bắc Giang tặng bà con tổ dân phố

Để hỗ trợ người dân Bắc Giang tiêu thụ vải trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Hoài Anh (Đội Cấn, Hà Nội) đã quyết định bỏ tiền túi để mua 2 tấn vải.