Hai tuần trước, Trường ĐH Nông nghiệp Tứ Xuyên (Sichuan Agricultural University), trong một buổi lễ vinh danh hoành tráng, đã tuyên bố thưởng 13,5 triệu NDT (2 triệu USD) cho một nhóm nghiên cứu có công trình khoa học được công bố trên tạp chí Cell.
Sự kiện này đã làm dấy lên những tranh cãi trên mạng xã hội về hình thức thưởng tiền cho những cá nhân hay nhóm nghiên cứu có thành tựu trong việc công bố, rằng thưởng bao nhiêu là đủ.
Nhà nghiên cứu Lý Bình, giám đốc Viện nghiên cứu lúa gạo, Trường ĐH Nông nghiệp Tứ Xuyên, đồng tác giả của bài công bố, chịu sức ép dẫn tới phải viết giải thích rõ ràng trên blog cá nhân rằng phần lớn số tiền thưởng – 13 triệu NDT sẽ được sử dụng làm tài trợ cho những nghiên cứu trong tương lai. Chỉ phần còn dư - 0,5 triệu NDT sẽ được 27 người trong nhóm nghiên cứu chia nhau, như vậy sẽ chẳng khiến ai đột nhiên biến thành giàu có.
Ông Lý tiếp tục thanh minh cho giải thưởng, rằng những nhà nghiên cứu tại các đại học nhỏ, ít danh tiếng ở Trung Quốc thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn tài trợ lớn, ổn định, do đó, ngân khoản được trường đại học cung cấp là vô cùng thiết yếu cho những nhóm nghiên cứu như của ông để tiếp tục những dự án được cho là hứa hẹn.
Trường ĐH Nông nghiệp Tứ Xuyên, nơi vừa tuyên bố khoản thưởng lên đến 13,5 triệu NDT (2 triệu USD) cho một nhóm nghiên cứu có công trình khoa học được công bố trên tạp chí Cell |
Có thể, phát hiện của Lý và nhóm nghiên cứu về một loại gene có khả năng kháng bệnh sẽ giúp cho nhiều quốc gia đảm bảo an ninh lương thực. Trường của họ rõ ràng có quyền để tự hào và phấn khích về điều đó. Tuy nhiên, trao thưởng bằng việc bơm một khoản tiền mặt ngay sau khi bài báo được công bố vào hôm 30/6 liệu có phải là cách vinh danh đúng mực.
Hầu hết các đại học Trung Quốc hiện nay đang tư duy theo lối như vậy. Truyền thống thưởng tiền cho những nghiên cứu khoa học được công bố từ lâu đã ăn sâu bám rễ tại các viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc. Ở nhiều nơi, đó còn là chủ trương chính thức và được viết thành quy định. Chẳng hạn, Trường ĐH Nông Lâm Triết Giang tại Lâm An có chính sách thưởng đều 500.000 NDT cho những bài báo được công bố trên Cell, Science hay Nature. Họ sử dụng một công thức để tính thưởng cho những công bố tại các tạp chí khác.
Cụ thể, với những bài trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng (impact factors – IF) cao hơn 10, tiền thưởng sẽ được tính bằng IF × 1.5 × 10.000 NDT. Theo câu chuyện trên Nhân dân nhật báo, năm 2016, khoảng 90% số đại học ở Trung Quốc có chính sách thưởng tiền cho những công bố khoa học. Thực tế đó không chỉ tồn tại duy nhất ở mỗi Trung Quốc, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới như Qatar hay Arab Saudi, nơi những nhà khoa học cũng được hưởng chính sách tương tự.
Đây có thể là điều tốt cho cá nhân những nhà nghiên cứu và cũng là cách giúp các trường đại học quảng bá về thành tựu của họ. Tuy nhiên liệu điều đó có tốt cho khoa học, đặc biệt trong dài hạn, là một câu hỏi khó. Câu trả lời có lẽ là không.
Trước hết, chính sách thưởng tiền sẽ góp phần tạo nên một thứ văn hóa coi các nghiên cứu như một thứ phương tiện để nhà khoa học nhanh chóng kiếm được nhiều tiền. Hệ quả là, thay vì tiếp tục theo đuổi và tìm cách mở rộng những nghiên cứu tiềm năng trong quá trình thực nghiệm, họ sẽ chỉ tập trung công bố kết quả.
Họ quá chú trọng vào chỉ số IF, thứ được nhắc đi nhắc lại và thổi phồng một cách quá đáng. Chính thước đo đó đã gây ảnh hưởng không mong muốn khi được sử dụng trong các quy trình xét duyệt tài trợ, tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng tiến trong khoa học. Các giải thưởng bằng tiền bạc sẽ càng khiến người ta coi trọng IF một cách thái quá hơn, mà không quan tâm tới giá trị khoa học đạt được thực sự qua những nghiên cứu này.
Hơn nữa, điều quan trọng hơn ở đây là việc vội vàng trao giải thưởng cho nghiên cứu ngay sau khi được công bố cũng đồng nghĩa với việc tôn vinh một kết quả khoa học cho dù nó chưa được hoàn toàn chứng minh. Chưa có cơ sở nào để nói rằng những nhà khoa học Tứ Xuyên về loại gene kháng bệnh nấm ở lúa gạo sẽ bị bác bỏ sau khi có sự mổ xẻ tỷ mỉ của giới khoa học trong giai đoạn hậu công bố. Nhưng nếu chẳng may nó bị bác bỏ thì sao? Có nhiều kết quả nghiên cứu không hẳn là sai, song tầm quan trọng của chúng có thể đã bị phóng đại.
Lý giải của ông Lý rằng khoản tiền cho nhóm nghiên cứu chủ yếu mang tính chất tài trợ cho nghiên cứu tương lai chứ không chỉ thuần túy là giải thưởng, tuy nhiên điều này cũng chỉ ra một vấn đề căn bản ở Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác - đó là xu thế cấp ngân sách nghiên cứu dựa trên thành tích quá khứ hơn là tiềm năng hay triển vọng trong tương lai.
Hiện tại, những nghiên cứu về loại gene kháng bệnh đang rất hứa hẹn, và những nhà khoa học tại Tứ Xuyên có thể là đối tượng phù hợp để được giao nhiệm vụ khai thác xu hướng này. Tuy nhiên, họ cũng có thể tiếp tục đi theo những hướng tiếp cận khác, không liên quan tới những gene này trong tương lai. Trong bất cứ trường hợp nào, để đánh giá đúng mực liệu nhóm nghiên cứu có xứng đáng với khoản tiền tài trợ lớn hơn hay không, cần thông qua đề cương nghiên cứu, trong đó đặt ra mục tiêu rõ ràng, làm căn cứ để có sự đánh giá so sánh công bằng với những đề án khác trong việc cạnh tranh giành ngân sách tài trợ.
Sự kiện này cũng gợi ra câu hỏi mang tính cấp thiết trong việc sử dụng ngân sách khoa học như thế nào ở Trung Quốc. Ông Lý nói bóng gió trên blog cá nhân rằng, những nhà khoa học tại các trường đại học lớn dễ được nhận nguồn tài trợ ổn định và có lợi thế hơn hẳn so với các đồng nghiệp ở các trung tâm nghiên cứu ít danh tiếng hơn, những người phải trở nên phụ thuộc vào những giải thưởng bằng tiền do trường của họ cấp như là những chiếc phao cứu sinh.
Nhận định này cho thấy một hiện tượng, và ở khía cạnh nào đó cũng là vấn đề lớn, tại nhiều nơi trên thế giới, khi mà nhiều nguồn lực chỉ được ưu tiên tập trung cho những viện nghiên cứu hàng đầu. Trước thực trạng này, cộng đồng khoa học cần phải đấu tranh để có sự điều chỉnh. Tuy vậy, dù trong hoàn cảnh nào, tiêu chí xét duyệt công bằng và nghiêm ngặt là điều quan trọng nhất trong khoa học.
Theo Tạp chí Tia sáng/ Văn Hải dịch (Nguồn: http://www.nature.com/news/don-t-pay-prizes-for-published-science-1.22å275)