- Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam nói với Góc nhìn thẳng, những khoản thưởng Tết tới vài trăm triệu đồng có độ tin cậy rất thấp và nếu có, chỉ dành cho giám đốc...
Đối với người lao động thưởng Tết được xem là một khoản thu nhập quan trọng không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Theo đánh giá của Bộ Lao động thương Binh xã hội mức thưởng Tết năm nay chỉ tăng hơn năm trước 1%. Liệu với mức tăng này có giúp cho đời sống Tết của người lao động được cải thiện?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng mời ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách kinh tế và xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để trao đổi về vấn đề này:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, với quan sát của ông trong năm vừa qua, ông dự báo như thế nào về mức thưởng Tết năm nay so với năm trước?
Ông Đặng Quang Điều: Năm 2015, tình hình kinh tế xã hội của chúng ta đã có bước phát triển tiến bộ, rất tốt. Điều này thể hiện GDP của nước ta năm nay tăng gần 6,7%. Sức khoẻ của doanh nghiệp năm 2015 tốt hơn so với năm trước.
Tiền lương trung bình của người lao động năm 2015 là cao hơn năm 2014, khoảng 5-10%. Tiền lương tối thiểu năm 2015 cũng cao hơn năm 2014 là 14,4%.
Rõ ràng, 3 yếu tố này cho thấy, tiền thưởng năm nay sẽ cao hơn so với năm trước.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, thời gian vừa qua, khá nhiều tờ báo đã đưa tin về con số thưởng Tết. Có những nơi số thưởng Tết rất thấp, có những nơi thưởng rất cao lên tới vài trăm triệu đồng, mức chênh lệch rất cao. Ông đánh gái như thế nào về những con số này?
Ông Đặng Quang Điều: Vừa qua, báo chí nêu rất nhiều về những con số thưởng Tết. Tuy nhiên, những con số này cũng chỉ là để tham khảo thôi, chứ độ tin cậy rất thấp. Chúng tôi được biết, hàng năm số doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo về tiền thưởng chỉ chiếm 0,1% so với số doanh nghiệp hiện có. Số doanh nghiệp hiện có là hơn 600 ngàn DN nhưng số DN báo cáo rất ít. Số báo cáo như vậy không có tính chất đại diện.
Tuy nhiên, có thể nói, những doanh nghiệp thưởng cao, ví dụ năm nay, báo cáo Tp HCM thưởng cao nhất 600 triệu, Hà Nội là 100 triệu/người thì đây là khoản tiền thưởng không phải cho người lao động, mà là khoản tiền thưởng cho giám đốc, Tổng giám đốc, hoặc những người được thuê để làm theo cơ chế khoán sản phẩm hay khoán kinh doanh. Người ta đạt được mức tiêu thụ sản phẩm như thế nào đó thì sẽ được thưởng mức cam kết theo hợp đồng giữa hai bên, chứ không phải là số tiền thưởng của người lao động. Số này rất ít, đếm trên đầu ngón tay, chỉ một vài người, hoặc dăm người ở cả một thành phố.
Còn tiền thưởng trung bình mà phần đông người lao động được hưởng sẽ rơi vào khoảng 1 tháng đến 1,5 tháng lương. Những doanh nghiệp thưởng ở mức trung bình là khoảng 1,5 tháng lương. Có những doanh nghiệp thưởng ở mức thấp.
Đó là tình hình thưởng các năm. Năm nay, cũng tình trạng như vậy, doanh nghiệp nào trung bình thưởng khoảng 1-1,5 tháng lương, doanh nghiệp cao thì thưởng 3-4 tháng lương. Một tháng lương trung bình của chúng ta hiện nay khoảng 5-7 triệu đồng, sẽ tính ra ngày tiền lương, tiền thưởng ở mức độ nào mà phần đông người lao động.
Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh những doanh nghiệp thường thưởng Tết vào cuối năm, cũng có những doanh nghiệp chia tiền thưởng này ra và trả dần vào hàng tháng. Điều này giúp cho doanh nghiệp bớt áp lực cuối năm, giúp người lao động có thể kiểm soát chủ động được hơn chi tiêu của mình. Ông nghiêng về cách trả tiền thưởng nào để có ý nghĩa tích cực cải thiện đời sống người lao động?
Ông Đặng Quang Điều: Theo tôi, tiền thưởng nên tập trung vào thưởng 6 tháng, hoặc thưởng cả năm, hoặc vào dịp Tết chứ không nên chia nhỏ vì tiền thưởng không lớn, tôi tính trung bình khoảng 1 tháng lương thứ 13, khoảng 5-7 triệu đồng. Nếu 5-7 triệu đồng này chia nhỏ ra 12 tháng thì tiền thưởng hàng tháng rất thấp. Nếu vậy, rõ ràng không hỗ trợ giúp đỡ cho người lao động trong việc cải thiện đời sống, trong khi đó, dịp Tết, người lao động phải chi tiêu rất nhiều.
Châm ngôn của chúng ta có câu "Đói ngày giỗ cha, nhưng phải lo 3 ngày Tết".
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, có những doanh nghiệp khoẻ khoắn về tài chính, có khả năng trả thưởng thì có những doanh nghiệp lại nợ lương người lao động, trốn trả thưởng Tết. Ngành lao động, Tổng Liên đoàn lao động cần có giải pháp như thế nào để dảm bảo quyền lợi của người lao động, đảm bảo đời sống trước, trong và sau Tết?
Ông Đặng Quang Điều: Tổng Liên đoàn đang yêu cầu các cấp công đoàn phải giám sát chặt chẽ việc trả lương cho người lao động, nhất là trả lương trong dịp Tết này, làm sao phải trả đầy đủ.
Đối với doanh nghiệp thực sự khó khăn về tài chính, cần phải có các giải pháp như tạm ứng tiền để chi cho người lao động trước trong dịp Tết, hoặc vay để trả lương cho người lao động. Hết sức tránh việc nợ lương người lao động trong dịp Tết.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thắng thắn. Xin kính chào và hẹn gặp lại!