Quảng bá hiệu quả, tạo lực đẩy cho doanh nghiệp

Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Ngày từ năm 2009, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch TMĐT http://teqni.gov.vn hướng tới giới thiệu các nông, đặc sản địa phương. Năm 2016, sàn tiếp tục được nâng cấp tiệm cận với các sàn giao dịch hiện đại.

Tháng 5/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công Thương Quảng Ninh đã đưa vận hành sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh (http://ocopquangninh.com.vn) với loạt tính năng, tiện ích mới như tích hợp thanh toán trực tuyến, công nghệ bảo mật tốt, dễ sử dụng, dễ nhìn, đăng ký bằng nhiều hình thức zalo, facebook... 

Tính đến tháng 8/2023, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh giới thiệu 224/334 sản phẩm OCOP. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, qua sàn đã chốt 281 đơn hàng với các sản phẩm bán chạy như Trà hoa vàng (Ba Chẽ), miến dong Bình Liêu, ruốc hàu...

quang ninh ocop.jpg
Ảnh: báo Quảng Ninh

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm OCOP trên các sản thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Voso, Sendo, Shopee, Postmart.vn,…; các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Năm 2022, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử của Quảng Ninh đạt trên 7.900 tỷ đồng, ước đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Toàn tỉnh có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử  lớn như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada…; hơn 160 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn.

Tham gia sàn thương mại điện tử không chỉ mang đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ hội được quảng bá, mở rộng thị trường. Hơn thế nữa, nhà sản xuất cũng chủ động nhận được phản hồi, đánh giá của khách hàng, tạo tiền đề cải tiến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Minh chứng rõ nét là hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã và đang chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Việc đăng ký và sử dụng mã số, mã vạch cho các cơ sở tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP cũng được triển khai mạnh mẽ với 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh được triển khai dán tem điện tử thông minh nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc.

Góp phần phát triển kinh tế số

Với tốc độ tăng trưởng thần tốc, TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Để thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Đồng thời, 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hoá đơn điện tử...

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh phát triển TMĐT gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại điện tử do (FTA) với Việt Nam. 

quang ninh ocop2.jpg
Ảnh: báo Quảng Ninh

Trong năm 2023, tỉnh tổ chức hơn 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển hoạt động kinh doanh ứng dụng TMĐT.

Trong thời gian tới, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh xác định triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT xuyên quốc gia như: Alibaba, Amazon… 

Đồng thời, tỉnh sẽ thúc đẩy triển khai rộng rãi các hệ thống phần mềm thương mại tự động hóa, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” các sàn TMĐT uy tín trong nước… 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, Sở xác định sẽ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động quảng bá sản phẩm, như: QR code, chip NFC, công nghệ blockchain… để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo cho chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung vào triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hoạt động TMĐT, như: Phát triển, hoàn thiện hạ tầng TMĐT; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; ứng dụng TMĐT hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm; vận hành sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh; tập huấn thông tin, tuyên truyền về TMĐT; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT. 

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa TMĐT với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh theo đúng xu hướng phát triển chung trong thời đại số 4.0, đóng góp vào lộ trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

K.N