Hiện Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), sản phẩm của Việt Nam có rất nhiều lợi thế vì các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do đó đều dành ưu đãi về thuế quan, về thâm nhập thị trường cho sản phẩm của chúng ta, do vậy để thâm nhập và để có chỗ đứng phát triển tốt thì chúng ta phải xây dựng mạnh thương hiệu của mình.
Ngày 20/4 đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là “Ngày Thương hiệu Việt Nam” nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia, thương hiệu Việt Nam thông qua sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, qua đó góp phần phát triển ngoại thương, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và giá trị Thương hiệu Quốc gia trên trường quốc tế.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong năm 2023, với trị giá 498 tỷ USD trong năm 2023, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Brand Finance xếp hạng 33/121 tổng số các quốc gia, lãnh thổ được Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới-Brand Finance đánh giá, xếp hạng.
Còn nhớ, năm 2019, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam mới được định giá ở mức 247 tỷ USD thì đến năm 2023, con số này đã tăng gần gấp đôi, với mức 498 tỷ USD và đây là thành quả, kết quả ghi nhận đóng góp của rất nhiều yếu tố.
Có được kết quả này, trước hết là sự chỉ đạo, vào cuộc hết sức quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từ chính các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Đặc biệt, có sự tiếp sức từ Bộ Công Thương- cơ quan được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để triển khai Chương trình Thương hiệu Quốc gia và mục tiêu hướng tới là xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh của quốc gia để từ đó quảng bá ra thế giới rằng Việt Nam có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, chất lượng để từ đó nâng tầm giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Các giải pháp được tập trung chính vào việc nâng cao nhận thức trước hết là của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đối với ý nghĩa và vai trò của việc xây dựng, phát triển và bảo hộ thương hiệu.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho hay: Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm với số lượng, trị giá đứng tốp đầu thế giới, nhưng phần nhiều chưa được gắn với câu chuyện thương hiệu mà còn dưới hình thức sản phẩm thô, sản phẩm mới qua sơ chế và khi bán ở thị trường quốc tế đôi khi lại phải đứng ở một thương hiệu hay nhãn hàng khác, đấy cũng câu chuyện và nội dung chính mà phía Bộ Công Thương và Chương trình Thương hiệu Quốc gia sẽ hướng tới đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội về vai trò của thương hiệu.
Nhóm giải pháp tiếp theo là nâng cao năng lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực để xây dựng, quản trị và phát triển các thương hiệu sản phẩm nhằm tiệm cận, đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ đó để hình thành các thương hiệu mạnh, qua đó xuất khẩu ra thế giới mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.
Thời gian qua. trị giá xuất khẩu hiện tại của nhóm doanh nghiệp trong nước mới đóng góp khoảng 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới đóng góp chính vào tỷ trọng xuất khẩu.
Do đó, với việc phát triển và xây dựng các thương hiệu mạnh như vậy và với giá trị của các sản phẩm được nâng cao được kỳ vọng sẽ một phần nào đó đóng góp vào việc tăng tỷ trọng đóng góp trong kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Cuối cùng là nhóm giải pháp đẩy mạnh, tuyên truyền quảng bá cho Chương trình Thương hiệu Quốc gia, thông qua đó cũng sẽ tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm đạt tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, để từ đó người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, điều đó không chỉ mang lại hiệu quả lớn hơn cho công tác phát triển ngoại thương mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia Việt Nam.
PV