- Nêu thực trạng thanh tra chuyên ngành làm việc quá sức của mình nhưng đúng kiểu cưỡi ngựa xem hoa, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tỏ ra thương các tỉnh, DN nhiều lúc hết đoàn thanh tra này, đoàn thanh tra khác vào, làm chậm lại sự phát triển của DN.
Làm việc tại Kiểm toán nhà nước (KTNN) sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận những đóng góp của KTNN đã góp phần hoàn thành tốt kế hoạch, chương trình nhiệm vụ thời gian qua.
Dẫn kết quả nổi bật của KTNN từ 2012 đến nay góp phần tăng thu, giảm chi với 118.300 tỷ đồng, con số không nhỏ, riêng năm 2016 xử lý tài chính trên 38.000 tỷ đồng, gấp 2 lần 2015, Chủ tịch nước nhận định: “Đây là những con số biết nói, thể hiện đóng góp của KTNN”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với Kiểm toán nhà nước |
Kiểm toán rút ngắn hơn 107 năm thu phí BOT
Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết, năm 2016, KTNN đã kiểm toán 276 cuộc, kiến nghị xử lý tài chính hơn 38.000 tỷ đồng, tăng thu hơn 11.000 tỷ đồng, giảm chi hơn 16.000 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm qua và tăng 2 lần so với năm 2015.
Đáng chú ý, KTNN đã kiểm toán 27 dự án BOT, kiến nghị giảm bớt thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu là 107,4 năm, trong đó dự án giảm thời gian thu phí nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày.
Đặc biệt KTNN đã kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng chấm dứt việc thu phí đối với dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam, giảm thời gian thu phí hơn 3 năm.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nêu thực trạng trùng lắp giữa KTNN với thanh tra các bộ, ngành.
"Nhiều thanh tra bộ, ngành làm việc quá sức của mình, thanh tra vượt quá hạn ngành mình. Nhiều đoàn thanh tra 6 người mà làm 200 dự án trong 45 ngày, khối lượng công việc quá lớn thế thì làm đúng kiểu cưỡi ngựa xem hoa", ông Phớc nói.
Ông dẫn chứng trường hợp thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra cả công trình điện, thuỷ lợi, đất đai... làm như vậy không đúng quy trình, hiệu quả không cao.
Tổng KTNN bày tỏ thương các tỉnh, DN nhiều lúc hết đoàn thanh tra này, đoàn thanh tra khác nào, làm chậm lại sự phát triển của DN.
Ngoài ra, Tổng KTNN chỉ ra tình trạng có nhiều nghị định, thông tư rất sơ hở để tiền lọt qua tay tư nhân dễ dàng.
“Nhiều nghị định, thông tư nhìn thì thấy không liên quan gì nhưng sở hở một tí là làm mất tiền của nhà nước rất nhiều. Ví dụ nghị định về bảo hiểm nhân thọ, khi DNNN chuẩn bị CPH vẫn bỏ tiền ồ ạt mua bảo hiểm. Thực tế có tổng công ty bỏ 268 tỷ mua bảo hiểm”, ông Phớc dẫn chứng.
Cứ làm được như 2 chữ "Đức Phớc"
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước yêu cầu KTNN sớm đưa Luật Kiểm toán nhà nước 2015 đi vào cuộc sống cũng như sớm sửa đổi bổ sung quy định không còn phù hợp. Cùng với đó là tích cực ứng dụng CNTT, cải cách hành chính.
“Nếu quy trình làm rườm rà, gây phiên hà cho DN, vô hình trung sẽ gây khó khăn cho DN”, Chủ tịch nước lưu ý.
Nhắc lại chức năng của KTNN là công cụ quan trọng phát hiện tham ô, tham nhũng, chống thất thoát lãng phí, Chủ tịch nước đề nghị KTNN chủ động kiến nghị cơ quan thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm. Vụ việc nào có dấu hiệu phạm tội chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý theo quy định.
“KTNN cần đi sâu kiểm toán những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, tham mưu cho các cơ quan thẩm quyền chống tham nhũng”, ông nhấn mạnh.
Nhắc đến việc sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó có vốn ODA là cần thiết để xây dựng đầu tư hạ tầng, công trình trọng điểm, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, Chủ tịch nước lưu ý thực tế việc sử dụng vốn vay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
“Không loại trừ có cả tiêu cực, không chỉ trong nước mà cả ở những người làm việc tại các tổ chức cho vay. Làm sao để vẫn được vay, nhưng sử dụng vốn hiệu quả, quản lý được, không để thất thoát, lãng phí vì vay thì phải có trả. Nếu vay rồi dùng không hiệu quả thì đời con cháu sẽ phải trả”, Chủ tịch nước lưu ý.
Ông đề nghị KTNN phải tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng, phối hợp đề xuất cơ chế quản lý, thẩm định các dự án vay vốn nước ngoài.
KTNN tham gia ngay từ đầu sẽ đánh giá chủ động: Vay làm gì, ai đứng vay, sau này ai đứng trả, nguồn tiền đâu trả, bao giờ trả.
Từ đó có cảnh báo sớm cho các cơ quan nhà nước nhất là về nợ công, tài chính, ngân hàng.
"Cần chủ động kiểm toán một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí như đất đai, tài nguyên, môi trường... ", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông yêu cầu KTNN cần đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán...
“Nghệ thì tinh, tâm thì sáng, công minh, chính trực. Cứ làm được 2 chữ "Đức Phớc" như tên của Tổng kiểm toán là được rồi. Chủ tịch nước giải thích thêm ý nghĩa của 2 từ Đức - Phớc, trong đó từ Phớc có nghĩa là thước đo, là chuẩn mực.
Thu Hằng