Không đề cập đến những phát ngôn gây tranh cãi gần đây của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mà chúng ta đã tỏ thái độ phù hợp, phát biểu của ông ở Đối thoại Shangri-La cho thấy một thái độ khôn ngoan và thực dụng lạnh lùng của đảo quốc sư tử trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung đang ngày càng gia tăng.
Phê phán cách tiếp cận đối đầu của hai nước, ông Lý kêu gọi hai bên chấp nhận lẫn nhau (Trung Quốc áp dụng luật lệ quốc tế trong tranh chấp, và Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong trật tự thế giới), từ đó tránh nguy cơ xung đột và xây dựng một thế giới đa phương, toàn cầu hoá, và thịnh vượng nhưng bao dung với những khác biệt của nhau.
Đó là mong muốn của một nước nhỏ trên bàn cờ địa chính trị, nhưng vấn đề ngoài thực địa thì luôn diễn ra theo logic tự thân của nó. Thương chiến Mỹ - Trung không có dấu hiệu giảm tốc, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Khả năng "hãm phanh" của các nước nhỏ hay thậm chí là của những thể chế quốc tế như Asean, EU, hay WTO là không mấy khả thi. Khi đó, lựa chọn tối ưu không phải là ngồi yên chờ đợi màn long hổ tranh đấu, mà phải có những ứng phó phù hợp với diễn tiến của thời cuộc. Như một nhà ngoại giao nổi tiếng từng nói, nước nhỏ phải "biết đi" trên bàn cờ quốc tế.
Thương chiến Mỹ - Trung và cơ hội của Việt Nam |
Việt Nam đương nhiên là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cả hai cực của thương chiến. Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh. Theo số liệu từ Cục Thống kê Mỹ, hàng nhập khẩu từ Việt Nam tăng đến 40% trong 3 tháng đầu năm 2019, đó là khi thương chiến chưa leo thang với hàng loạt biện pháp đáp trả của đôi bên trong tháng 5 và tháng 6. Là nền kinh tế sản xuất nhiều mặt hàng tương đồng với Trung Quốc, nước ta sẽ được hưởng lợi khi tăng thuế đánh vào các sản phẩm như dệt may, da giày, thiết bị phụ tùng, hay sản phẩm gỗ của Trung Quốc.
Về mặt đầu tư, chính sách "Trung Quốc + 1" được các doanh nghiệp nước ngoài đẩy nhanh để "tránh bão" các biện pháp cứng rắn từ phía Mỹ. Cùng với các nhà đầu tư khác, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Hong Kong ào ạt đổ vốn vào Việt Nam, khiến FDI từ quốc gia này tăng đến 450% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, FDI vào nước ta tăng đến 69% trong 5 năm đầu 2019.
Cả nước đang có tâm lý phấn khởi nhờ tác động của thương chiến Mỹ - Trung. Nhưng có thể dễ dàng nhận thấy những lợi ích kinh tế mà chúng ta có được chủ yếu là nhờ yếu tố "thiên thời" và "địa lợi": vị trí địa lý, sự tương đồng về cấu trúc của nền kinh tế với Trung Quốc, và "dân số vàng" (số người trong độ tuổi lao động ở nước ta - 54 triệu người - nhiều hơn gấp đôi so với dân số phụ thuộc), thay vì do những chính sách thực sự chủ động.
Thời vận có thể đưa đến những cơ hội trời cho để phát triển kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là vệt sáng nhất thời. Lần gần đây nhất chúng ta thực sự hào hứng với triển vọng kinh tế như vậy là vào năm 2006, khi Việt Nam chuẩn bị chính thức gia nhập WTO. Những năm đó, các chuyên gia trong nước thì tự tin với "vận nước đang lên", còn chuyên gia nước ngoài thì dự đoán Việt Nam sớm muộn sẽ đứng vào hàng ngũ của những con hổ châu Á. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngay sau đó cho thấy gió có thể đổi chiều nhanh như thế nào.
Chính vì thế, việc xuất khẩu tăng mạnh hay FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam, theo tôi, không phải là chỉ dấu thành công về mặt chính sách. Có lẽ chúng ta sẽ cần sự chủ động nhiều hơn trong việc điều tiết tác động của tình hình cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, từ đó tối đa hoá lợi ích và giảm thiểu nguy cơ vô tình vướng vào cơn bão đó.
Thứ nhất, cần phải theo dõi sát sao tình hình xuất khẩu của hàng hoá có nguồn gốc trong nước sang Mỹ và các quốc gia khác, tránh tình trạng "hồn Trương Ba, da hàng thịt" khi các doanh nghiệp tìm cách "rửa" nguồn gốc xuất xứ (C/O) khi xuất khẩu qua Việt Nam để hưởng lợi mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, mà không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể ở trong nước. Nếu hiện tượng này xảy ra, hàng hoá Việt Nam rất dễ trở thành nạn nhân của các biện pháp trừng phạt thuế quan và phi thuế quan từ phía Mỹ và các đối tác thương mại khác.
Thứ hai, dòng vốn FDI tăng quá nhanh cần có sự điều tiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn rất yếu về mặt cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng nguồn lao động. FDI tăng nóng không kiểm soát tạo ra nguy cơ quá tải hạ tầng, những cơn sốt bất động sản và lao động, đồng thời tác động tiêu cực đến môi trường trong bối cảnh năng lực quản lý và giám sát của nhà nước còn chưa được như kỳ vọng.
Những yếu tố đó, về dài hạn, sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Nói như một thành ngữ phương Tây "đừng cắn nhiều hơn miếng có thể nuốt", chúng ta cần phải chọn lọc hơn trong việc tiếp nhận nguồn vốn FDI, ưu tiên những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, và thân thiện với môi trường.
Thứ ba, thành công đột xuất của xuất khẩu và đầu tư không nên là lý do để trì hoãn những cải cách cần phải thực hiện, đặc biệt là vấn đề về môi trường kinh doanh, đổi mới thể chế, và chất lượng nguồn lao động. Đây mới là những tiền đề tạo ra sức hút lâu dài của Việt Nam.
Thứ tư, lựa chọn những gì tốt nhất cho nền kinh tế đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải bỏ qua những định kiến với các nhà đầu tư Trung Quốc. Việc yêu hay ghét một quốc gia là tâm lý bình thường, và là lựa chọn của mỗi cá nhân. Ngay cả với những nước phát triển và có mối quan hệ kinh tế khăng khít cũng tồn tại những cảm xúc của công chúng như vậy, như giữa người Anh với Mỹ, hay người Hàn Quốc với Nhật Bản. Nhưng đó là về mặt cảm tính, khi đưa ra những quyết sách để tối đa hoá lợi ích, thứ chúng ta cần hơn là lý trí.
Nếu ai đã từng ghé thăm các thành phố lớn của Trung Quốc, thì dù có không thích họ như thế nào, cũng phải thừa nhận quốc gia này đã đạt được những tiến bộ vượt trội về mọi mặt. Hạ tầng của Bắc Kinh và Thượng Hải thậm chí còn tốt hơn nhiều so với các đại đô thị trên thế giới khác như New York hay Paris. Hàng hoá của Trung Quốc cũng không còn chỉ là những sản phấm cấp thấp từ thủ phủ hàng nhái thế giới tại Quảng Đông, mà còn là những mặt hàng công nghệ cao và có chất lượng không kém gì so với phương Tây.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu phát triển (R&D), chỉ xếp sau Mỹ về tổng số tiền đầu tư cho công nghệ, và đứng thứ 5 thế giới về số bằng sáng chế được cấp bởi Cơ quan Bằng sáng chế châu Âu (EPO). Nói vậy để thấy những doanh nghiệp hay nhà đầu tư Trung Quốc không đồng nghĩa với chất lượng thấp, mà sẽ phụ thuộc rất lớn vào lựa chọn và năng lực thể chế của nước ta. Khi làn sóng FDI của nước này vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh, thì điều cần làm không phải là ngần ngại với nguồn gốc xuất xứ của FDI, mà là bộ lọc thể chế để chọn lựa những gì tốt nhất cho nền kinh tế.
Để làm được điều đó, cả chính quyền và người dân cần có tư duy tỉnh táo và loại bỏ tâm lý bài Trung một cách cực đoan. Vụ bạo động ở Bình Dương và Hà Tĩnh vào năm 2014, khiến nhiều doanh nghiệp thậm chí không phải đến từ Trung Quốc cũng bị vạ lây, từng để lại tác động tiêu cực đến hình ảnh và môi trường đầu tư ở Việt Nam, từ đó làm thiệt hại chính nồi cơm của người dân.
Năm năm trôi qua, thế giới ngày càng biến động hơn, và mối quan hệ giữa các nước cũng trở nên phức tạp với những đan xen quyền lợi về kinh tế và chính trị khác biệt. Chúng ta không đồng tình với chính sách biển Đông hung hăng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, hay quan điểm về nhân quyền khác biệt của Mỹ, nhưng không nên vì những khác biệt đó mà từ chối những mối hợp tác mang lại lợi ích cho đất nước.
Sự thực dụng đó - dù yêu hay ghét - là thứ Việt Nam cần học hỏi phần nào từ Singapore, quốc gia phối hợp khéo léo các chính sách trong nước và hoàn cảnh quốc tế để nhảy vọt từ quốc gia thuộc thế giới thứ ba thành một nước phát triển chỉ trong 30 năm. Thương chiến Mỹ - Trung, hay xa hơn là cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường, có thể là bàn đạp quan trọng để Việt Nam hướng tới mục đích đó.
Nguyễn Khắc Giang