Từ đó đến nay, chính quyền Trump đã ba lần tung đòn thuế vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc gồm các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, từ thiết bị tàu hỏa cho đến túi xách. Đáp trả, Trung Quốc áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ gồm hóa chất, than, thiết bị y tế và các loại nông sản như đậu nành.
Tổng thống Trump chỉ ra tình trạng mất cân bằng thương mại hơn 378 tỷ USD giữa hai nước, chiếm 2/3 tổng thâm hụt thương mại 566 tỷ USD của Mỹ trên toàn cầu. Theo thống kê chính thức, năm 2018, Mỹ xuất 120,3 tỷ USD hàng sang Trung Quốc, giảm 7,4% so với năm 2017, nhưng nhập 539,5 tỷ USD hàng Trung Quốc, tăng 6,7% so với năm trước.
Ông Trump tố cáo Bắc Kinh hành xử thương mại không công bằng, đánh cắp tài sản trí tuệ và ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường nước này.
Bên cạnh các mức thuế mới được áp dụng từ ngày 10/5, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ sớm bắt đầu quá trình áp dụng mức thuế 25% đối với số hàng Trung Quốc nhập khẩu còn lại trị giá hơn 325 tỷ USD. Ông cho biết, số tiền thuế thu được sẽ được sử dụng để mua hàng nông sản của Mỹ, sau đó sẽ được sử dụng cho hỗ trợ nhân đạo.
Về phần mình, với tuyên bố sẽ không có kẻ thắng người thua trong cuộc thương chiến này, Trung Quốc cáo buộc chính quyền Trump hành động đại diện cho "chủ nghĩa đơn phương" và "chủ nghĩa bảo hộ", đồng thời tố Mỹ không tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phớt lờ kêu gọi giảm thuế từ chính các doanh nghiệp Mỹ.
Bắc Kinh kêu gọi Mỹ kiềm chế và thận trọng, tránh đẩy quan hệ thương mại song phương vào nguy hiểm, đồng thời khẳng định muốn đàm phán với Mỹ để giải quyết bất đồng. Tuy vậy, cường quốc châu Á khẳng định sẵn sàng chấp nhận cuộc thương chiến với bất kỳ giá nào, và sẽ áp dụng mọi biện pháp toàn diện nếu Mỹ tiếp tục bảo hộ thương mại đơn phương.
Tháng 12/2018, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý dừng thương chiến khi họ dùng bữa tối trong khuôn khổ thượng đỉnh G20 ở Argentina. Hai bên nhất trí không áp đặt biện pháp thuế quan mới trong 90 ngày, cho tới ngày 1/3/2019.
Cụ thể, Mỹ sẽ không tiến hành các biện pháp tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, còn Bắc Kinh đồng ý mua lượng sản phẩm đáng kể của Mỹ, dừng áp thêm thuế với các lĩnh vực ôtô và phụ tùng ôtô của Mỹ.
Hai bên tiến hành nhiều cuộc đàm phán ở cả Washington và Bắc Kinh với mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại chung. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5 vừa qua, hai bên đều khăng khăng giữ quan điểm của mình và kiên quyết không nhượng bộ. "Chúng tôi thực sự đã có một thỏa thuận, và rồi họ phá thỏa thuận", người đứng đầu Nhà Trắng nói.
Bế tắc trên đã đầy cuộc thương chiến lên một mức mới vào ngày 10/5. Chính quyền Trump nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, với lý do Bắc Kinh đã đột ngột từ bỏ các cam kết và yêu cầu sửa đổi dự thảo thỏa thuận.
Phía Trung Quốc giải thích do Mỹ không dỡ bỏ toàn bộ thuế quan, đòi hỏi mua hàng phi lý và đặc biệt là ngôn từ trong dự thảo "không cân bằng" làm ảnh hưởng đến chủ quyền của đất nước châu Á này. Ngày 13/5, Trung Quốc thông báo tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ từ ngày 1/6.
Hôm 24/5, Trung Quốc cáo buộc các quan chức Mỹ nói dối công chúng về cuộc chiến thương mại. "Chúng tôi phản đối chiến tranh thương mại, nhưng không sợ nó", Thứ trưởng Ngoại giao Trương Hán Huy hôm 30/5 phát biểu tại Bắc Kinh. "Việc châm ngòi xung đột thương mại này rõ ràng là hành vi khủng bố kinh tế trắng trợn, là chủ nghĩa nước lớn về kinh tế và là hành động bắt nạt kinh tế. Sẽ không có bên nào thắng trong chiến tranh thương mại".
Viện dẫn lý do tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei có thể lợi dụng các sản phẩm công nghệ để do thám cho chính quyền Bắc Kinh, ông Trump đã mở mặt trận mới về công nghệ trong cuộc chiến, giáng một đòn mạnh vào tập đoàn Huawei, một trong những công ty lớn nhất và thành công nhất của Trung Quốc.
Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đưa Huawei cùng hàng chục chi nhánh vào danh sách đối tượng bị Washington nhận định có khả năng tham gia hoạt động đi ngược lại lợi ích hoặc an ninh quốc gia Mỹ. Với quyết định này, các công ty Mỹ khi muốn cung cấp linh kiện cho Huawei phải xin giấy phép căn cứ theo hàng loạt quy định kiểm soát xuất khẩu. Trên thực tế, chứng minh được việc bán sản phẩm không gây tổn hại đến an ninh quốc gia là chuyện rất khó khăn.
Chính quyền Trump dọa sẽ "cấm cửa" thêm 5 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực camera giám sát và cảnh báo UAV nước này có thể đánh cắp dữ liệu. Washington cũng thúc giục các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G, và đến nay nhiều nước, trong đó có Australia và New Zealand đã hưởng ứng.
Một loạt công ty của Mỹ ngay lập tức tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei. Google tuyên bố cấm Huawei sử dụng tất cả phần mềm từ hệ thống điều hành Android, YouTube, Google Search, Google Play Store, Chrome cùng các phần mềm dịch vụ khác như Google Map, Gmail trong các phiên bản tương lai.
Sau đó, các hãng sản xuất linh kiện như Qualcomm, Intel, Xilinx, Broadcom đồng loạt có động thái tương tự, kéo theo Infineon Technologies nhà sản xuất chip của Đức, cũng tuyên bố dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho Huawei Technology.
Bên cạnh đó, Huawei phải đối mặt với lệnh truy tố hình sự của giới chức Mỹ. Washington hiện đang tìm cách dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu từ Canada, nơi bà bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái.
Huawei liên tiếp phủ nhận các cáo buộc rằng sử dụng sản phẩm của hãng sẽ dẫn đến rủi ro về an ninh, và cam đoan hãng độc lập với chính phủ Trung Quốc. "Các chính trị gia ở Mỹ đang dùng sức mạnh của cả quốc gia để đánh một công ty tư nhân", Song Liuping, chuyên gia luật pháp của Huawei bình luận.
"Quyết định này sẽ làm thiệt hại cho khách hàng của chúng tôi ở 170 nước, trong đó có hơn ba tỷ người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ trên khắp thế giới. Bằng cách ngăn cản các công ty Mỹ giao dịch với Huawei, chính phủ [Mỹ] đã trực tiếp làm hại hơn 1200 công ty Mỹ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hàng chục ngàn việc làm Mỹ".
Huawei đã đệ đơn yêu cầu tòa án Mỹ đẩy nhanh quá trình xét xử để "ngừng ngay các hành động bất hợp pháp" chống lại hãng này. "Chính phủ Mỹ đã không cung cấp được bằng chứng nào cho thấy Huawei là một mối đe dọa đối với lĩnh vực an ninh. Không có súng, cũng không có khói. Chỉ có đồn đoán mà thôi", ông Song nói.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm qua và gây bất an cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giới quan sát nhận định, chịu tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại sẽ là Mỹ và Trung Quốc, nhưng hệ lụy của nó sẽ xảy ra với nhiều bên, với tác động dây chuyền lan tỏa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, chính sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là yếu tố góp phần vào "suy yếu đáng kể của phát triển toàn cầu" cuối năm ngoái. Theo IMF, những quốc gia đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng của Mỹ hoặc của Trung Quốc và các đối tác thương mại quan trọng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp.
Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á nhận định đây sẽ là cú sốc lớn với nền kinh tế. "Tất cả các công ty Mỹ đột nhiên đối mặt với việc tăng 25% chi phí, và rồi bạn phải nhớ rằng người Trung Quốc sẽ trả đũa… ".
Tuy vậy, chính quyền Trump khẳng định kinh tế Mỹ đủ mạnh để trụ vững trước bất kỳ cú giáng nào. Bản thân Tổng thống Trump khẳng định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn rất mạnh dù hai nước đang ở trong một cuộc chiến thương mại, và đàm phán song phương vẫn sẽ tiếp tục.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân tham gia một cuộc "Vạn lý Trường chinh". Tân Hoa xã cuối tuần trước dẫn lại câu nói này, cho rằng người dân Trung Quốc cần "dũng cảm hơn và kiên cường hơn, không bao giờ khuất phục trước sức ép bên ngoài".
Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia một cuộc chiến dài hạn, một phần có thể là vì thấy tỷ lệ tín nhiệm ông Trump hiện nay ở mức thấp và kỳ vọng Đảng Dân chủ có thể đẩy bật ông ra khỏi ghế tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới.
Bài viết: Thanh Hảo - Đồ họa: Tú Uyên