Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thường là giai đoạn kinh doanh bận rộn nhất trong năm của Niu Mang Mang, chuỗi nhà hàng lẩu chuyên các phục vụ các món liên quan đến thịt bò.
Nhưng năm nay, khi một chủng mới của virus corona gây ra dịch bệnh hô hấp chết người ở thành phố Vũ Hán, các gia đình Trung Quốc đành phải ở trong nhà thay vì ăn mừng năm mới tại các nhà hàng sang trọng, đặc biệt là những quán lẩu như Niu Mang Mang - khi mọi người đều lấy thức ăn và nước dùng từ chung một nồi.
Những chiếc bàn trống tại một nhà hàng ở Thượng Hải hôm 3/2. Ngành hàng dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt bùng phát dịch từ virus corona. Ảnh: Bloomberg. |
"Gần như không có khách"
"Thường thì vào thời gian này trong năm, chúng tôi sẽ kín chỗ, với toàn bộ 30 bàn được đặc trước cả tuần, và rất nhiều người xếp hàng bên ngoài quán", anh Lưu Bá, quản lý một chi nhánh của thương hiệu tại thành phố Thành Đô, cách Vũ Hán 1.100 km, chia sẻ.
"Nhưng bây giờ gần như là không có khách", anh Lưu nói thêm.
Thay vì doanh thu có thể lên tới 7.000 USD một ngày trong dịp Tết, Lưu cho biết anh sẽ hạnh phúc nếu đạt được một phần năm số tiền đó. Cả anh và các nhân viên của quán đều chỉ được nhận 50% mức lương hàng tháng trong giai đoạn này.
Câu chuyện của anh Lưu là tiêu biểu cho những gì đang diễn ra trên khắp Trung Quốc, khi số bệnh nhân nhiễm virus corona đang không ngừng gia tăng, trải dài trên khắp các tỉnh thành của đất nước đông dân nhất thế giới.
Đợt bùng phát đã khiến nền kinh tế, vốn đang tăng trưởng chậm lại do chiến tranh thương mại, đối mặt với một tương lai không mấy sáng sủa, khi các chuyên gia dự đoán tăng trưởng năm nay có thể giảm xuống dưới 4% trong quý 1.
"Du lịch và dịch vụ ăn uống sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất", bà Vương Đào, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư UBS, nhận định.
Tác động tổng thể sẽ phụ thuộc vào thời gian cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, và việc chính quyền trung ương quyết định sẽ đóng cửa các thành phố trong bao lâu.
Nỗi sợ hãi đối với loại virus mới đã khiến quốc gia 1,4 tỷ dân gần như tê liệt. Ở Bắc Kinh, những con đường vành đai thường xuyên tắc nghẽn giờ vắng vẻ như đường cao tốc ở nông thôn. Trong khi đó, nhiều ngôi làng và khu dân cư đã tự đóng cửa với người ngoài, nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.
Các con số cho thấy có sự sụt giảm rõ rệt trong chi tiêu cá nhân, hoạt động tạo ra động lực cho 1/3 nền kinh tế đất nước. Vì không thể hoạt động, số tiền các rạp chiếu phim phải hoàn lại cho những tấm vé đã mua lên tới 50 triệu USD trong ngày 25/1, tức ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán.
Nhà ga phía Tây Bắc Kinh vắng vẻ vào ngày 2/2. Ảnh: Bloomberg. |
Số lượng các chuyến đi được thực hiện bằng máy bay và tàu điện trong kỳ nghỉ lễ năm nay thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Bắc Kinh và Thượng Hải cũng tạm dừng hoạt động các tuyến xe buýt liên tỉnh, và các thành phố trong vùng dịch như Vũ Hán thì cấm thêm cả xe cá nhân.
Các hoạt động như ma chay, cưới hỏi và họp mặt gia đình cũng bị hủy bỏ, góp phần làm giảm 12% lượng tiêu thụ rượu ở Trung Quốc.
"Hoạt động tiêu thụ nói chung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong quý đầu tiên. Mọi người buộc phải ở trong nhà, không ai sẽ đi xem phim hoặc ra ngoài ăn, và họ sẽ chẳng thể mua thứ gì", ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của Oxford Economics, nhận định
Thiệt hại có thể gấp 5-10 lần dịch SARS
Thông thường, hoạt động công nghiệp khá im ắng trong giai đoạn này trong năm, chủ yếu vì công nhân được nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng với việc kỳ nghỉ được kéo dài thêm 1 tuần ở nhiều vùng trên đất nước, bao gồm cả Thượng Hải và Trùng Khánh, cùng với việc nhân viên văn phòng được yêu cầu làm việc tại nhà, sản lượng công nghiệp chắc chắn sẽ sụt giảm.
Đợt bùng phát cũng làm tổn thương các công ty nước ngoài làm ăn ở thị trường Trung Quốc. Starbucks và Apple đã phải đóng cửa các cửa hàng, và Tesla phải tạm dừng hoạt động nhà máy ở Thượng Hải. Foxconn - công ty lắp ráp Iphone cho Apple, cũng tuyên bố sẽ không hoạt động cho tới ít nhất là một tuần nữa.
Những thiệt hại trong lĩnh vực dịch vụ là không thể phục hồi. "Người ta sẽ không uống gấp đôi cà phê hoặc xem nhiều phim gấp đôi khi mọi thứ kết thúc", bà Vương từ UBS giải thích.
Các doanh nghiệp ở Vũ Hán bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Levi's - vừa khai trương cửa hàng lớn nhất của thương hiệu này tại thành phố hồi tháng 10/2019, và General Motors - với một phần năm sản lượng xe hơi của hãng đến từ một nhà máy ở đây.
Ngay cả khi virus corona được kiểm soát nhanh chóng, các nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng trong quý 1 của kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống còn từ 3-4%, trong khi con số cả năm có thể chỉ đạt 5,4%. Nếu kịch bản lạc quan này không thành sự thật, tăng trưởng thậm chỉ có thể ở dưới mức 5%, bà Vương cho hay.
Điều này sẽ là một thách thức với chính quyền trung ương, vốn đang phải nỗ lực để giải quyết tình trạng tăng trưởng chậm lại. Mục tiêu của Bắc Kinh trong năm 2020 - tăng trưởng 6% - trở nên vô cùng khó khăn, trong khi mục tiêu tăng gấp đôi quy mô của nền kinh tế trong giai đoạn 2010-2020 giờ đây gần như là điều không thể.
Thiệt hại của virus corona đối với kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn con số 40 tỷ USD mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) gây ra cho nước này vào hồi 2002-2003. Khi đó, SARS chủ yếu diễn ra tại khu vực tỉnh Quảng Đông phía nam đất nước, trong khi văn phòng, nhà máy và trường học ở các nơi khác vẫn mở cửa.
Nhà hàng vắng vẻ và các vị khách duy nhất là nhân viên giao đồ ăn đang chờ đưa hàng cho khách. Ảnh: Shutterstock. |
"Nếu chúng ta sử dụng SARS làm thước đo - dịch bệnh cũng xuất phát từ một loại virus và cũng dẫn tới một phản ứng của chính quyền - các dấu hiệu cho thấy lần này thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều", chuyên giá Kujis từ Oxford Economics nhận định.
Ông Victor Ng, quản lý kỳ cựu ngành ngân hàng ở Hong Kong, ước tính tác động kinh tế từ virus corona mới có thể gấp 5 đến 10 lần so với dịch SARS.
Nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm xảy ra dịch SARS chỉ đang trong giai đoạn bùng nổ, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt mức 2 con số, và là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Giờ đây, Trung Quốc đã khác rất nhiều, cả về quy mô lẫn vai trò trong nền kinh tế toàn cầu. Đối với nhiều nước châu Á, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn khách du lịch hàng đầu của họ.
(Theo Washington Post/ Zing)