BS Nguyễn Ngọc Chung, Giám đốc BV đa khoa huyện Bắc Mê, Hà Giang cho biết, bệnh nhân Phương Văn Tá, 42 tuổi ở huyện Bảo Lâm, Cao Bằng được chuyển đến viện cấp cứu ngày 13/6 vừa qua.
Ekip phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, tuy nhiên 15 phút cuối bị mất điện phải huy động các loại đèn để mổ tiếp |
Gia đình cho biết, suốt 4 ngày trước đó, bệnh nhân đau bụng quằn quại nhưng tự chữa, đến khi đau không chịu nổi mới đến BV khám. Khoảng cách từ nhà bệnh nhân đến BV đa khoa huyện Bắc Mê khoảng 50km, đường đi khó nên tình trạng bệnh thêm nặng.
Sau khi thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng.
Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức để mổ cấp cứu. Khi mở bụng ra, bác sĩ choáng váng khi thấy trong ổ bụng bệnh nhân chứa rất nhiều dịch phân; dạ dày, ruột và các tạng đều ngâm trong dịch phân bẩn gây viêm, loét. Nguyên nhân được xác định do thủng dạ dày kích thước 1x1 cm.
Các bác sĩ đã khâu lỗ thủng, hút dịch bẩn, rửa ổ bụng, đặt sonde dạ dày hút dịch, đặt sonde dưới gan và dougla và chuyển bệnh nhân vào phòng chăm sóc đặc biệt, theo dõi suy đa phủ tạng.
Hình ảnh ổ bụng chứa đầy phân (trái) và hình ảnh bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật |
May mắn, sau 5 ngày mổ, bệnh nhân đã ổn định, không có biến chứng suy thận hay suy đa phủ tạng.
BS Chung cho biết, trong lúc đang mổ cấp cứu, BV đột ngột mất điện nên các bác sĩ phải tận dụng ánh sáng từ các loại đèn (điện thoại, đèn pin) để thực hiện nốt những thao tác cuối cùng là đóng da cho bệnh nhân, khoảng thời gian này kéo dài 15 phút.
Cũng theo BS Chung, do hôm đó BV mất điện liên tục nên rất nhiều cuộc mổ khác cũng trong tình trạng tương tự. Do điều kiện khó khăn, nên BV chưa trang bị được máy phát điện.
Thúy Hạnh
Con thủng dạ dày, tá tràng vì thói quen khi ăn của triệu gia đình Việt
- Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng trên rốn, trước đó từng nôn ra máu. Khi chụp CT ổ bụng, bác sĩ phát hiện hành tá tràng bị thủng.