Đến cuối năm 2015, Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt khung kiến trúc Chính phủ điện tử, theo đó, Sóc Trăng sẽ áp dụng mô hình Chính phủ điện tử theo mô hình của Đà Nẵng. Khi được hỏi, Sóc Trăng có thuê doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ CNTT khi triển khai Chính phủ điện tử hay không? Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc thuê dịch vụ CNTT cần phải cân nhắc 3 vấn đề: cái nào do tỉnh tự đầu tư, cái nào có thể giao cho doanh nghiệp đầu tư, cái nào hai bên cùng phối hợp để đầu tư.

Theo ông Quang, chỉ có thể giao cho doanh nghiệp đầu tư một phần rồi nhà nước thuê lại, còn lại những hạng mục nào quan trọng nhà nước phải tự đầu tư. Ví dụ: hạ tầng để cung cấp dịch vụ công, phục vụ cho người dân, không sợ lộ bí mật có thể giao cho doanh nghiệp đầu tư, bao gồm cả thiết bị và đường truyền, nhà nước chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu chung. Còn đối với các cơ sở dữ liệu quản lý điều hành thì không thể giao tất cả cho doanh nghiệp, mà doanh nghiệp chỉ cung cấp hạ tầng và phần mềm còn lại nhà nước phải trực tiếp triển khai và quản lý cơ sở dữ liệu. Sắp tới tỉnh Sóc Trăng sẽ lập phương án cụ thể và xem xét những hạng mục nào có thể thuê doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hạng mục nào do nhà nước tự triển khai.

Tại Hậu Giang hiện nay việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vấp phải hai vấn đề rất khó giải quyết là: thiếu kinh phí và thiếu nhân lực có trình độ giỏi về CNTT. Theo ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang, trong 5 năm 2011-2015, tỉnh này mới đầu tư cho ứng dụng CNTT được hơn 6 tỷ đồng, bình quân mỗi năm có hơn 1 tỷ đồng nên rất khó để làm các dự án lớn về CNTT, số tiền này chủ yếu mua sắm thiết bị còn chưa đủ. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở TT&TT đã xây dựng dự toán trình UBND tỉnh Hậu Giang để xây dựng chính quyền điện tử và đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến với dự toán ngân sách cho cả giai đoạn hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh vẫn chưa phê duyệt đề án với lý do ngân sách địa phương không có để chi.

Một giải pháp đặt ra là nếu địa phương không đủ tiền để tự đầu tư cho CNTT, cũng như không đủ nhân lực để triển khai thì có thể thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, FPT… Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, Hậu Giang đã tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh, thành lớn như: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh, qua kinh nghiệm tại các địa phương đã làm trước thì điểm khó nhất khi thuê dịch vụ CNTT là nhà nước chưa có đủ độ tin cậy vào doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cũng chưa chứng tỏ được uy tín của mình.

Thêm vào đó, ông Tâm cho hay, trong cơ quan nhà nước có nhiều thông tin, cơ sở dữ liệu mật nên không thể và không dám giao toàn bộ cho doanh nghiệp quản lý. Điều này có nguy cơ rủi ro quá lớn vì hiện tại Chính phủ vẫn chưa có văn bản pháp lý nào quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT phải chịu trách nhiệm ra sao về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các khách hàng.

Tại Hội nghị Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc mới đây, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang nhấn mạnh: Những hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống thông tin dùng chung mang tính phổ cập thì không nên đi thuê ngoài, chỉ thuê đối với các loại dịch vụ nhỏ lẻ, có tính công đoạn.

“Doanh nghiệp cứ nói là đảm bảo an ninh thông tin nhưng có đảm bảo hay không, chúng ta không thể biết được. Cho nên không thể có chuyện toàn bộ cơ quan nhà nước hoạt động thế nào, doanh nghiệp biết hết, có thể bán thông tin ra nước ngoài”, ông Diệu nhấn mạnh, đồng thời khẳng định việc đi thuê cũng tiềm ẩn rủi ro khi trong trường hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT phá sản thì các hệ thống CNTT của cơ quan Nhà nước cũng dễ “sập” theo