Trước đó, 17 năm trước, ngày 16/11/2003, Thư viện tỉnh Nghệ An ký hợp đồng 78/HĐKT-CT cho công ty CPTM xây lắp và XNK Miền Trung (nay là Công ty CPTM và xây lắp An Phú, trụ sở tại 53 đường Tuệ Tĩnh, TP Vinh) thuê thửa đất diện tích 480 m2 (tại số 45 đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh).
Theo điều khoản hợp đồng, số tiền thuê đất 5,5 triệu đồng/tháng, giá trị hợp đồng 15 năm (kể từ 1/1/2004), mục đích thuê đất là để kinh doanh cà phê Trung Nguyên, cửa hàng bán đồ lưu niệm.
Trải qua 2 đời Giám đốc nhưng Trung tâm Văn hóa Nghệ An vẫn không đòi được 'đất vàng' khi cho doanh nghiệp thuê lại |
Tuy nhiên, sau khi thuê được đất, Công ty An Phú nhiều lần chuyển đổi mục đích kinh doanh và cho các tập thể, cá nhân khác thuê lại.
Tháng 10/2004, Thư viện tỉnh Nghệ An dời đến địa điểm mới, mảnh đất mà An Phú thuê được bàn giao cho Trung tâm Văn hóa tỉnh (TTVH) Nghệ An tiếp quản.
Chủ sở hữu đòi đất không thành
Năm 2008, căn cứ vào quyết định 1573/QĐ-UBND-CN, ngày 2/5/2008 của UBND tỉnh về việc xây mới, cải tạo nâng cấp trụ sở, Giám đốc TTVH nhiều lần yêu cầu công ty An Phú trả lại mảnh đất đang thuê, tuy nhiên doanh nghiệp này không chấp hành.
Đặc biệt, từ năm 2009 , An Phú chây ì, không những không trả lại đất mà còn không trả cả tiền thuê đất cho TTVH. Sau nhiều lần đốc thúc gắt gao, phải đến tháng 3/2019, doanh nghiệp này mới nộp tổng cộng hơn 600 triệu đồng.
Tháng 12/2009 và tháng 8/2010, Đoàn kiểm tra liên ngành và Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của TTVH kết luận, dãy ki ốt cho thuê không hợp pháp và không đúng với chức năng của khu đất. Đoàn kiểm tra kiến nghị, thanh lý hợp đồng và tháo dỡ ki ốt này.
Hợp đồng cho thuê kinh doanh cà phê Trung Nguyên và bán đồ lưu niệm nhưng Công ty An Phú lại chia nhỏ thành nhiều ki ốt để cho thuê lại |
Theo ông Bùi Công Vinh - Giám đốc TTVH tỉnh Nghệ An, việc An Phú không đóng tiền thuê đất khiến đơn vị không có tiền nộp thuế cho Nhà nước. Nợ gốc cộng lãi ngày càng tăng khiến lãnh đạo TTVH đau đầu và mất nhiều thời gian giải trình.
Ngày 1/1/2019, sau khi hết hạn hợp đồng thuê đất, TTVH yêu cầu phía An Phú thanh lý hợp đồng, trả lại đất nhưng doanh nghiệp này không chấp hành mà còn tiếp tục tu sửa.
Theo quan sát của PV, khu đất An Phú thuê đã được họ chia thành 5 ki ốt, kinh doanh các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, mỹ phẩm… Vị trí này này được đánh giá là khu đất vàng vì nằm ở trung tâm thành phố Vinh, có giá trị sinh lời cao.
Thuê lại một ki ốt của An Phú, anh Tuấn (trú tại phường Lê Mao, TP Vinh) cho biết, hợp đồng thuê giữa anh với công ty An Phú có giá trị 5 năm (hết hạn năm 2022). Ki ốt mà anh đang thuê có diện tích 90m2 với giá 15 triệu đồng/tháng.
Theo anh Tuấn, thời điểm thuê anh không biết và công ty An Phú cũng không nói đây là đất của TTVH tỉnh, chỉ sau khi TTVH cử người đến giải thích anh mới rõ chuyện.
Cần động thái quyết liệt từ cơ quan chức năng
Dãy ki ốt nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ mà Công ty An Phú đang sử dụng mà các cơ quan chức năng ở Nghệ An chưa thể đòi lại |
Ông Bùi Công Vinh chia sẻ, khi thu hồi được mảnh đất, đơn vị sẽ xin giấy phép cải tạo thành nơi phục vụ biểu diễn dân ca. Ngoài ra, có thể kết hợp bán nhạc cụ dân tộc, tranh ảnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Nhưng do sự chây ỳ của An Phú, từ năm 2008, TTVH nhiều lần gửi văn bản đề nghị Sở VH&TT (cơ quan chủ quản), UBND tỉnh cùng nhiều cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ để thu hồi khu đất này.
Ngày 27/3, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản “hỏa tốc” số 1881/UBND-KT về việc xử lý thu hồi đất sử dụng sai mục đích tại TTVH gửi các cơ quan chức năng.
Trong văn bản, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn, với thành viên gồm Công an tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan. Trước 5/4, Đoàn kiểm tra phải có báo cáo cụ thể, tham mưu phương án xử lý gửi UBND tỉnh.
Tuy nhiên, không rõ vì sao, gần 4 tháng đã trôi qua kể từ khi UBND tỉnh gửi văn bản hỏa tốc, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa động thái nào.
Câu hỏi này cần được các cơ quan chấp pháp của Nghệ An sớm trả lời.
Những khu 'đất vàng' trước nguy cơ bị Đà Nẵng thu hồi
- UBND TP Đà Nẵng vừa có tờ trình đề nghị HĐND thành phố thông qua thu hồi 288 ha đất để xây dựng các công trình công cộng, dự án tái định cư..trong đó có nhiều khu đất vàng.
Quốc Huy – Phạm Tâm