Thuê bao sử dụng chữ ký số tại Việt Nam là cá nhân chỉ chiếm chưa đến 5%

Ngày 12/4/2018, tại Hà Nội, với định hướng tiếp tục đẩy mạnh việc sử  dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, cụ thể là đẩy mạnh việc cá nhân sử dụng chữ ký số, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo “Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và trong toàn xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, việc đảm bảo an toàn thông tin cho các ứng dụng là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu. Và để đảm bảo an toàn thông tin cho các ứng dụng, việc có cơ chế và hình thức xác thực điện tử an toàn là yếu tố quan trọng đầu tiên và hết sức cần thiết.

Theo Thứ trưởng, thực hiện Luật Giao dịch điện  tử, các Luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, dịch vụ chứng thực chữ ký số và các ứng dụng sử dụng chữ ký số bắt đầu phát triển tại Việt Nam từ năm 2009. Đến nay, trên cả nước có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công  cộng, cấp hơn 800.000 chứng thư số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử.

Cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tính  đến hết năm 2017, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã cấp hơn gần 100.000 chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định. Hầu hết thuê bao sử dụng chữ ký số tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp, số thuê bao là cá nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 5%. Lý do chính của việc này là chưa có các ứng dụng sử dụng chữ  ký số cho cá nhân, đồng thời chữ ký số chưa  thể sử dụng trên các thiết bị di động.

“Với định hướng tiếp tục đẩy mạnh việc sử  dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, cụ thể là đẩy mạnh việc cá nhân sử dụng chữ ký số, hôm nay, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam”. Hội thảo này là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong nước và nước ngoài, các chuyên gia trong lĩnh vực chữ ký số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chữ ký số về các chính sách, giải pháp ứng dụng chữ ký số  trên thiết bị di động. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ TT&TT ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định liên quan đến việc sử dụng chữ ký số trên thiết bị động tại Việt Nam”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thuê bao sử dụng chữ ký số tại Việt Nam là cá nhân chỉ chiếm chưa đến 5%

Trong báo cáo đề dẫn “Chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam: Hiện trạng và nhu cầu”, Giám đốc NEAC Lã Hoàng Trung nhận định, thời gian tới, nhu cầu ứng dụng chữ ký số trên thiết bị tại Việt Nam là rất lớn và hiện hữu. Cụ thể, về phía cơ quan nhà nước, ông Trung cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo rất mạnh việc phát triển dịch vụ công trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, trên đó sẽ cung cấp tất cả các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. “Chúng tôi nghĩ rằng, trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, việc sử dụng chữ ký số cho xác thực cũng là một vấn đề quan trọng”, ông Trung nói.

Về phía người dùng, ông Trung phân tích, hiện nay người dùng có nhu cầu xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi, trong khi đó việc sử dụng chữ ký số truyền thống với thiết bị lưu khóa USB token không đáp ứng được nhu cầu. Hơn thế Việt Nam là nước hiện có số lượng người dùng trẻ đông, số thiết bị di động nhiều; theo báo cáo của tổ chức nước ngoài, tại các thành phố lớn của Việt Nam, khoảng 70% người dân sử dụng thiết bị di động. Vì thế, việc triển khai ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động là nhu cầu thực sự thiết yếu.

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ, đại diện NEAC cho rằng, cung cấp dịch vụ trên nền tảng di động là xu hướng tất yếu. Còn với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng, vị đại diện này nhận định trong bối cảnh thị trường chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp đã bão hoàn, việc triển khai ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động sẽ mở ra cho các CA hướng khai thác, phát triển thị trường chữ ký số cho cá nhân.

Xem xét nhu cầu ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động trong khối các cơ quan nhà nước, ông Lê Quang Tùng - chuyên gia của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, nhu cầu triển khai chữ ký số trên thiết bị di động phục vụ điều hành tác nghiệp tại các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng tăng mạnh. Hiện nay, đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước triển khai các ứng dụng điều hành tác nghiệp hệ thống nền tảng di động, tính di động của hệ thống rất cao. Các cán bộ cơ quan nhà nước cũng có nhu cầu xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị di động.

“Đã có nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước yêu cầu Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai chữ ký số trên thiết bị di động phục vụ điều hành tác nghiệp. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng và triển khai giải pháp ký số trên các thiết bị di động cho hoạt động điều hành tác nghiệp trên thiết bị di động”, ông Tùng nêu quan điểm.

Một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu lớn trong ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam thời gian tới, đại diện NEAC cho biết, về giải pháp công nghệ trên thế giới đã sẵn sàng, Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm và hiện vẫn còn thiếu quy định pháp lý cụ thể.

Cũng trong tham luận tại hội thảo, đại diện NEAC đã đề cập đến những vấn đề đặt ra khi triển khai giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam như: liên quan đến nhiều bên (Viễn thông, Mật mã dân sự, CA, ứng dụng, phát triển phần mềm…); các vấn đề về liên thông, đồng bộ; đa dạng về công nghệ, yêu cầu xây dựng các tiêu chuẩn tương ứng. “Quan điểm triển khai của chúng tôi là trung lập về công nghệ - đưa ra tiêu chuẩn áp dụng tương ứng với từng giải pháp; đồng hành, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan ngay từ đầu; đồng thời tạo điều kiện để đẩy mạnh ứng dụng”, đại diện NEAC nhấn mạnh.

Được biết, 2 CA công cộng là VNPT-CA, Viettel-CA đang triển khai thử nghiệm các giải pháp SIM PKI. Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cũng đã được Ban Cơ yếu Chính phủ giao chủ trì triển khai nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống xác thực thông tin dựa trên SIM PKI sử dụng trong bảo mật, xác thực dữ liệu trên điện thoại di động. Thời gian qua, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã phối hợp với đối tác SIM PKI tin cậy để triển khai giải pháp ký số sử dụng SIM PKI. Hiện sản phẩm đang được thực hiện kiểm định để đánh giá an ninh, an toàn cũng như khả năng khai cho các cơ quan nhà nước.