Dịp Tết, nhiều gia đình Việt Nam ưa thích uống nước trà (chè) xanh song có một số nhóm người không nên dùng loại thức uống quen thuộc này.
Trong thành phần của trà gần như không có chất béo, carbohydrate hay protein, do đó hầu như không cung cấp năng lượng.
Thạc sĩ Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết các hợp chất sinh học phong phú trong trà xanh như polyphenol, alkaloid, amino axit, vitamin, flavonoid, flour, tanin, saponin có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa các bệnh như Alzheimer, viêm khớp, bệnh tim và giảm cholesterol, giảm cân…
So với các loài trà khác như trà đen hay trà ô long, trà xanh có tác dụng chống oxy hóa cao nhất. Vitamin C, vitamin B2, mangan có trong trà xanh hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn quá trình lão hóa, điều hòa hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng. Theanin trong trà xanh có tác dụng kích thích thư giãn, tăng khả năng tập trung và sáng tạo.
Trà chứa rất nhiều caffeine. 100g lá trà chứa 4g caffeine, trong khi 100g hạt cà phê Arabica chỉ có 1,4g caffeine.
Trà có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu tiêu thụ quá nhiều hoặc không đúng cách. Caffeine tác động rõ rệt lên tim mạch, hô hấp hay tiêu hóa, có thể ngăn chặn sự hấp thụ chất dinh dưỡng hay thuốc. Do đó, những người nhạy cảm hoặc dùng liều cao có thể bị run cơ, run tay, khó ngủ, nhức đầu, lo lắng, bứt rứt.
Theo Thạc sĩ Dung, trong trà có những dạng tanin và axit như catechin, flavonoid, phenoli. Nếu uống trà trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn, những hợp chất này (nhất là nhóm polyphenol) có thể tạo phức hợp với protein gây kết tủa, giảm giá trị dinh dưỡng, ngăn cản sự hấp thụ protein, ngoài ra gây ức chế một số men tiêu hóa, làm ăn uống khó tiêu.
Đặc biệt trong trà còn có chứa một sắc tố gọi là epigallocatechin gallate (EGCG), liên kết tạo phức hợp với sắt trong máu, làm giảm hàm lượng sắt; ngăn cản sự hấp thụ sắt vô cơ, dẫn đến thiếu sắt và giảm số lượng huyết sắc tố. Thiếu sắt có thể dẫn đến bệnh thiếu máu, khi nồng độ huyết sắc tố thấp dễ dẫn đến khó thở, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
- Không nên uống trà đặc vì trong nước trà đặc hàm lượng caffeine khá cao, khi uống vào gây kích thích thần kinh, làm tăng độ hưng phấn.
- Không uống trà đặc trước khi đi ngủ vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ, thậm chí gây mất ngủ.
- Không nên uống trà lúc đói vì trà sẽ làm loãng dịch vị, giảm chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm loét dạ dày.
Ai không nên uống trà xanh?
Người có vấn đề về dạ dày, bệnh tim, thiếu máu do thiếu sắt, gầy yếu, bệnh về tuyến giáp, gan không nên uống trà. Chất caffeine trong trà xanh có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị: cao huyết áp, tim mạch, chống loạn thần làm giảm tác dụng, gây tác dụng phụ hoặc biến chứng.
Bệnh nhân bị rối loạn chảy máu cũng nên hạn chế uống trà do vitamin K trong trà cản trở tác dụng của Warfarin, thuốc chống đông máu.
Người thiếu máu đang trong thời gian uống viên sắt bổ sung, người đang bổ sung kẽm, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai đang cần nhu cầu sắt, kẽm cao không nên uống trà. Ngoài ra, người có nhu động ruột yếu, thai phụ, người già hay trẻ em rất cần chú ý với trà do thức uống dễ gây táo bón ở nhóm này.
Trẻ nhỏ càng không nên sử dụng trà do lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày còn mỏng manh, dễ bị loét, chưa kể, trà làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, đạm, sắt, kẽm, canxi... Cùng đó, trà dùng cho trẻ em hay kèm với sữa và các loại trân châu, siro trái cây chứa nhiều đường, hoặc cho nhiều đường để che lấp vị chát nên dễ gây nhiễm khuẩn nhiễm độc nếu không được chế biến và bảo quản kỹ lưỡng, dễ gây béo phì do đưa vào quá nhiều năng lượng rỗng, không có lợi.