Là một quốc gia lấy con người làm trung tâm và động lực cho sự phát triển, bảo vệ quyền con người nói chung và quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền không bị tra tấn luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam nhìn nhận là nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu.
Từ trước khi gia nhập Công ước chống tra tấn (CAT), Nhà nước Việt Nam đã khẳng định pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của tất cả cá nhân. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Đặc biệt, tinh thần bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của tất cả cá nhân càng được đặc biệt quan tâm khi Việt Nam tham gia Công ước CAT. Việt Nam luôn chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm của Công ước, minh chứng qua việc không ngừng cố gắng triển khai tổng thể các biện pháp để thực thi có hiệu quả Công ước tại Việt Nam, biểu hiện qua quá trình nội luật hóa; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn; bảo vệ và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của các hành vi tra tấn; xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự đối với các đối tượng có hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân. Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền công dân, quyền con người nói chung và quyền của những đối tượng có nguy cơ bị tra tấn nói riêng đồng thời nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức trong ứng xử với người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án hình sự và thân nhân của họ.
Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật mới như Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (sửa đổi), Luật Tố cáo năm 2018, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022... cùng hàng trăm văn bản hướng dẫn có liên quan theo hướng chuẩn hóa các quy trình, các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi có tính chất tra tấn, bảo vệ đối tượng có nguy cơ bị tra tấn, hỗ trợ nạn nhân của hành vi tấn trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và bồi thường thiệt hại.
Và cũng từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất lên Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017; Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận, khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn vào tháng 10 năm 2020.
Mới đây nhất, ngày 14/3/2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Hiện tại, Việt Nam đang hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về thực thi Công ước chống tra tấn và chuẩn bị gửi xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị, xã hội đối với dự thảo Báo cáo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo để gửi đến Ủy ban chống tra tấn.