Phân tích sự lãng phí “tài nguyên rác” tại Việt Nam hiện nay, Thạc sĩ Bùi Thị Cẩm Tú, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, dẫn số liệu cho thấy: Nguồn phế liệu nhựa thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam lưu ý, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 -50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tất cả các loại nhựa PET, HDPE, LDPE và PP sử dụng ở Việt Nam được thu gom và tái chế thành các sản phẩm tái chế có giá trị thì tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ tái chế 33% hiện nay thì mới chỉ có 25% tổng giá trị vật liệu nhựa, tương đương 872 triệu USD được giải phóng hàng năm.
Với khoảng 100 triệu dân, mỗi năm,lượng rác thải lại gia tăng thêm 10%, tương đương hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.
“Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các giải pháp này cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Nâng cao hiệu quả thu gom chất thải nhựa, chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa”, Thạc sĩ Bùi Thị Cẩm Tú.
3 giải pháp cụ thể đã được Thạc sĩ Bùi Thị Cẩm Tú đề xuất.
Thứ nhất, thực hiện hiệu quả việc phân loại tại nguồn.
Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển ngành tái chế chất thải tại Việt Nam là rất lớn, nhưng quan trọng là các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống thì chúng ta phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn, khâu này là quan trọng nhất. Thế nhưng trong nước, nhựa phế liệu tuy có nhưng phần lớn đều trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Số ít thu gom được từ hoạt động ve chai nhưng không đáng kể.
Thứ hai, mở cửa chính sách đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào tái chế.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, trên thực tế việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó, nhưng hiện nay, ngành công nghiệp tái chế chất thải còn lạc hậu, manh mún, một phần là do rào cản định kiến của lãnh đạo địa phương khi đầu tư lĩnh vực này. Hiện các địa phương đều từ chối cấp phép đầu tư ngành nghề xử lý chất thải. Số ít doanh nghiệp được cấp phép nhưng phải hoạt động với quy mô rất hạn chế.
Những chính sách ưu đãi đầu tư từ phía Chính phủ, bộ, ngành liên quan cần phải được các địa phương triệt để triển khai, kết hợp thắt chặt công tác hậu kiểm. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng nhiều của doanh nghiệp với giá thành hợp lý, giảm nguy cơ chất thải đang bị đổ bừa bãi ra môi trường do thiếu đơn vị xử lý.
Thứ ba, biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp.
Rác thải nhựa không thể tái chế sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý (Co-processing). Các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Phương pháp đồng xử lý hiệu quả về chi phí và không làm phát sinh các chất tồn dư, trong khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể so với hình thức chôn lấp và đốt rác thải.
Việc thu gom, tái chế hoặc chuyển đổi các vật liệu này sang các dạng khác có vòng đời dài hơn sẽ giảm thiểu sự tồn tại của các vật liệu này trong môi trường sống, giảm được tác động tiêu cực của các vật liệu này lên môi trường.
Thu gom, tái chế đúng cách sẽ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, một mô hình kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững và tối ưu được các lợi thế cũng như sự tác động, hỗ trợ qua lại lẫn nhau của các yếu tố trong nền kinh tế.