Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói với Góc nhìn thẳng rằng, muốn chống thực phẩm bẩn, độc dịp Tết, không còn cách nào khác vẫn là tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Liên tiếp những ngày qua, hàng chục vụ vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện như rau không có nguồn gốc rõ ràng tuồn vào trường học,hàng chục tấn thịt bẩn, nội tạng hôi thối bị bắt giữ... khiến người dân lo ngại, hoang mang về bữa ăn ngày Tết sắp tới. Càng gần Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tăng cao, tình trạng này càng có nguy cơ thêm nhức nhối.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietnamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xung quanh vấn nạn này.
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, cận Tết, khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao, thực phẩm bẩn, độc lại càng có cửa rộng hơn để len vào bữa ăn người dân. Đây đã và đang là thực trạng nhức nhối dường như chưa thể ngăn chặn hiệu quả. Ông có ý kiến như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Tôi chưa đồng tình lắm với nhận định ban đầu này. Thứ nhất, không có nghĩa là cận Tết thì càng có nguy cơ thực phẩm bẩn len lỏi vào các bữa ăn. Nếu chúng ta biết là, nếu chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ rằng, các vụ vi phạm bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý như vậy thì chứng tỏ nguy cơ rất cao.
Nhưng tôi nhắc lại, trong thời gian gần Tết, các lực lượng chức năng được chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra. Chính vì vậy, tần suất thanh tra, kiểm tra nhiều hơn và số vụ vi phạm bị phát hiện xử lý nhiều hơn.
Chúng ta nhìn hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt và xử lý như vậy, mặc dù chưa khẳng định có thể hạn chế được tất cả các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhưng rõ ràng, đây là kết quả bước đầu rất quan trọng. Nếu không có sự quyết liệt như vậy thì những sản phẩm đó đã ra thị trường.
Cho nên, chúng phải phải nhìn nhận hết sức thẳng thắn. Chúng ta quyết liệt xử lý để ngăn chặn, bên cạnh các sản phẩm đã bị xử lý vi phạm, còn có một lượng rất lớn mà chúng ta đang tiêu dùng hàng ngày là những sản phẩm đã được kiểm soát.
Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, cơ chế ba bộ (Bộ Y tế- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn- Bộ Công Thương) quản thực phẩm như hiện nay đang gặp phải khó khăn gì nhất trong việc quản lý thực phẩm từ khâu nuôi trồng cho đến bữa ăn của người dân?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Trước hết, chúng ta phải khẳng định là, mặc dù 3 bộ được phân công và quản lý, vừa qua có dư luận có cho rằng, còn chồng chéo, còn bỏ trống nhưng tôi cho rằng, nhận định đó chưa chính xác. Vì Luật quy định 3 Bộ, dưới Luật có Nghị định hướng dẫn. Những nội dung nào chưa rõ, chưa cụ thể trong Luật thì chúng ta đã có Nghị định hướng dẫn.
Những nội dung nào chưa cụ thể nữa trong Nghị định hướng dẫn thì chúng ta đã có Thông tư liên tịch giữa 3 bộ, cụ thể ở đây là Thông tư 13. Trong đó, quy định rất rõ, đối với một doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm hỗn hợp thuộc chức năng quản lý của các Bộ thì giao cho một bộ quản lý, để tránh việc một doanh nghiệp, Bộ nào cũng nhảy vào, đấy là cái chồng chéo. Ngược lại, các sản phẩm giao thoa thì cũng giao cho một bộ quản lý để tránh cái bỏ sót.
Như vậy, có thể nói, chồng chéo, hay bỏ sót trong quản lý thì chúng ta không phải băn khoăn nhiều về nội dung này. Vấn đề ở đây, 3 bộ được cho chức năng quản lý thì nguồn lực để giao cho các Bộ thực thi trách nhiệm thì chúng ta phải bàn. Rõ ràng, nói gì thì nói, các yêu cầu quản lý rất lớn nhưng các nguồn lực để giao cho cơ quan chức năng được giao về quản lý an toàn thực phẩm hiện nay cần phải quan tâm nhiều hơn nữa.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông cho biết, Bộ Y tế cũng như các cơ quan liên quan sẽ thực hiện tăng cường các giải pháp như thế nào trong dịp Tết Nguyên đán này để hạn chế thấp nhất tình trạng thực phẩm bẩn, độc xuất hiện trên thị trường? So với những Tết trước, các giải pháp đó có khác biệt gì so với Tết năm ngoái?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Hoạt động ưu tiên số 1 cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết là công tác thanh tra, kiểm tra. Chúng ta đã có quy định của pháp luật rồi, các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện gì. Bây giờ, giám sát việc thực hiện các quy định ấy, không có cách gì khác là công tác thanh tra kiểm tra.
Ban chỉ đạo Liên ngành đã thành lập 6 Đoàn thanh tra liên ngành để tập trung thanh tra các tỉnh, thành phố lớn. Nhưng nhiệm vụ của các đoàn thành tra liên ngành không phải thay các địa phương thanh tra các cơ sở mà chủ yếu là đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong việc thanh tra, kiểm tra và hoạt động tuyên truyền trong dịp Tết này của các địa phương.
Còn theo chỉ đạo của Trung ương, các địa phương phải thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ tuyến tỉnh xuống quận, huyện, xã phường để thanh tra tất cả các cơ sở. Đặc biệt, chúng ta tập trung vào 2 thành phố lớn Hà Nội, Tp HCM, các tỉnh có cửa khẩu, là các tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, nhiều chợ đầu mối, nơi trung chuyển các thực phẩm tới các địa phương.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, các đoàn thanh tra năm nay kết hợp lấy mẫu, khác biệt với năm trước, đó là các mâu này gửi về các phòng kiểm nghiệm, các phòng phải ưu tiên nguồn lực để kiểm tra và ra kết quả rất sớm. Để làm sao, có vấn đề gì không đảm bảo chất lượng thì phải cảnh báo ngay.
Tránh trường hợp, tuyệt đối tránh không để trường hợp qua Tết rồi, các kết quả kiểm nghiệm mới được công bố. Lúc đó có vấn đề gì thì sản phẩm đã tiêu thụ xong. Cho nên, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị kiểm nghiệm phải ưu tiên nguồn lực, để kiểm tra các mẫu mà các đoàn kiểm tra lấy về để ưu tiên trả kết quả sớm nhất trong điều kiện có thể.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn!
Cận Tết Bính Thân 2016, thực phẩm bẩn đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Hàng chục tấn thịt hôi thối, nội tạng mốc meo đã được phát hiện khi đang vận chuyển vào nội địa. Hàng trăm kg rau, củ không rõ nguồn gốc được tuồn trường học. Hàng tạ nguyên liệu mứt Tết được phơi trên nền bẩn, cạnh đống rác, gần nhà vệ sinh, ruồi muỗi bu đầy... Gia cầm, gia súc được nuôi ăn với chất cấm để tặng trọng. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý hành chính như phạt tiền, rút giấy phép kinh doanh. Nhiều luật sư đã kiến nghị, cần phải truy cứu trách nhiê m hình sự với những chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn này. Những vụ vi phạm ATVSTP điển hình gần đây: Hà Nội phát hiện: 1 tấn chân gà, tim lợn thối tại chợ Minh Khai (14/12/2015) 1 tấn da, nội tạng trâu bò ướp muối không rõ nguồn gốc tại Thường Tín (18/12/2015) 90 tấn mỡ bò bẩn tại Phú Xuyên (31/12/2015) hàng trăm kg rau, cũ, thịt không rõ nguồn gốc bán cho 7 trường mầm non, tiểu học (14/01/2016) Đắc Lăk phát hiện: 1 tấn thịt thối gửi xe khách từ Bình Định (29/12/2015) Lào Cai phát hiện: 3 tấn lòng lợn thối (9/1/2016) Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu phát hiện: 862 con heo thịt tồn dư chất cấm vượt mức cho phép )Từ ngày 8-17/1/2016) |
VietNamNet