Hiện nay, hầu hết các phòng tập thể hình đều có khu vực bán thuốc hỗ trợ cơ bắp. Tuy nhiên, cả người bán lẫn người sử dụng đều không hiểu hết về chức năng của loại thực phẩm này.
Chào bán từ cửa
Đến bất kỳ phòng tập nào tại Hà Nội, người ta có thể thấy ngay trên bàn đón khách là những hộp thuốc to, trên bao bì có hình ảnh những lực sĩ thể hình vạm vỡ. Hỏi nhân viên tại một phòng tập trên phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, chị này cho biết, những sản phẩm này bán rất chạy, có ngày bán hơn chục hộp. Hộp nhỏ 800g giá gần 500 ngàn đồng; sản phẩm Ultra Whey Pro trọng lượng 2,27kg giá 1,5 triệu đồng…
Nhìn qua tạng người của phóng viên, chị này phán: “Em nên dùng loại giảm mỡ tăng cơ Body Shaper của Weider (một hãng từ Đức). Đảm bảo vài tháng được cơ bụng 6 múi”. Thấy vẻ ái ngại, nhân viên tư vấn thêm, phòng tập này có nhiều người dùng thử, rất hiệu quả. “Đây chỉ là thực phẩm chức năng nên không có tác dụng phụ”, chị này khẳng định.
Anh Đức, một người tập thể hình lâu năm tại phòng tập 77 Nguyễn Thái Học cho biết, nhờ sử dụng thực phẩm tăng cơ, kết hợp tập luyện mà chàng trai cao gần 1,8m nặng 115kg nay đã có thân hình săn chắc, rắn rỏi với cân nặng 82kg. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kết quả như ý khi sử dụng loại thuốc này.
Anh Tiến Trung (Cửa Bắc, Ba Đình) thông tin, một năm trước đây anh cũng dùng thuốc tăng cơ để có thân hình đẹp nhanh chóng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, cơ thể bị nóng hơn, mặt, lưng nổi mụn nhiều, bị đi ngoài 1 tuần liền… khiến anh phải bỏ thuốc. Những tác dụng phụ của thực phẩm tăng cơ vẫn còn nhẹ nhàng so với những người thích tăng cơ bắp “cấp tốc” mà không phải tập luyện. Đó là thực phẩm có chứa steroid, được dùng uống hoặc tiêm thẳng vào máu. Anh T.L, một người sử dụng thuốc chứa steroid trong 2 năm cho biết, sau thời gian dài sử dụng, anh bỗng bị tụt cân, mệt mỏi, chán ăn… Đi khám mới biết bị suy gan cấp do tác dụng phụ của thuốc chứa steroid.
Các loại thực phẩm tăng cơ thường thấy tại các phòng tập |
Dễ mắc bệnh vì thuốc không nguồn gốc
Anh Thân Khánh Toàn, HLV thể hình, Huy chương vàng thể hình toàn quốc năm 2010 thừa nhận, hiện hầu hết các phòng tập ở Hà Nội đều bán thuốc tăng cơ nhưng người bán không hiểu hết về chức năng cũng như các tác dụng phụ của thuốc. Mọi người thường sử dụng thuốc theo chỉ dẫn trên bao bì, tuy nhiên, nhiều loại thuốc nhập về Việt Nam chỉ dành cho thị trường cụ thể. Ví dụ, liều lượng thuốc chỉ định cho cơ thể của người châu Âu, khi người Việt áp dụng dễ bị quá tải, bởi cơ địa, sức đề kháng khác biệt so với người nước ngoài.
Thuốc tăng cơ hiện nay chia thành hai dòng: Dòng Whey (các thực phẩm bổ sung Protein phát triển cơ bắp) và dòng Steroid (tăng cơ bắp nhanh) ẩn chứa nhiều tác dụng khó kiểm soát. Trong khi dòng Whey có thể sử dụng hợp lý, khi kết hợp với luyện tập thì dòng chứa steroid lại hết sức nguy hiểm nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
Trao đổi với Tiền Phong, Th.S Phan Văn Hiệu, Giám đốc nghiên cứu phát triển Cty Cổ phần dược mỹ phẩm CVI cho biết, thực chất trong hệ thống phân loại thuốc theo hệ thống Giải phẫu - Ðiều trị - Hóa học cho những thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận không hề có khái niệm về thuốc tăng trưởng cơ bắp. Loại thuốc nói trên gọi chung là các Anabolic steroid, bản chất là các hormone sinh dục nam Testosterone hoặc các biến thể của chúng.
Sử dụng thực phẩm chứa protein để phát triển cơ bắp cần kết hợp luyện tập và sự chỉ dẫn của bác sĩ. |
Theo một nhân viên chuyên về thực phẩm tăng cơ, thị trường thuốc ở Việt Nam là rất lớn. Nhưng sự hiểu biết của thị trường lại rất thiếu, nên nhiều nhà cung cấp chờ đợt hàng thanh lý ở nước ngoài (thường là hàng cận hạn, hết hạn) để mua gom. Sau đó, mang về Việt Nam dập lại hạn mới, bán ra thị trường. Cùng nhân viên này đi tới một số đại lý thuốc tăng cơ, chúng tôi ghi nhận nhiều đại lý bán các hộp thực phẩm có hạn sử dụng bằng mực nhoè nhoẹt, thuốc bị ẩm, vón cục…
Tại một cửa hàng tại phố Vọng, nơi có nhiều bạn trẻ đến và mua về những hộp, túi ni lon không nhãn mác. Đây là sản phẩm Whey Protein nhập về từ Mỹ, được chia nhỏ để bán lẻ cho sinh viên. Một bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định, các sản phẩm tăng cơ chứa steroid đang “lách luật” theo dạng thực phẩm chức năng. Đa số không có nguồn gốc xuất xứ, được mua dưới dạng hàng xách tay, mua lan truyền trên mạng, không có sự quản lý chất lượng và hướng dẫn sử dụng của các cơ quan quản lý…
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nam giới dùng các loại thuốc có chứa Testosterone để tăng cơ bắp, sẽ có nguy cơ bị các cơn đau tim cao hơn. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo, dùng Testosterone ngoại sinh làm tăng 30% nguy cơ đột quỵ, đau tim ở nam giới. |
(Theo TPO)