- Lãnh đạo các trường học cho rằng mức phí 7% bảo hiểm y tế chi chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho học sinh không nhiều, đa phần đều được dùng hết, thậm chí còn thiếu. Và rằng không có chuyện "thừa tiền mà học sinh không được chăm sóc sức khỏe".
Trả lời trên báo Tiền phong ngày 9/9, đại diện Ban Thu (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết qua kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí CSSKBĐ tại các trường học, tình trạng phòng y tế tại các trường phần lớn còn nghèo nàn, thiếu các trang thiết bị CSSKBĐ cho HSSV, trong khi tiền kết dư thì lên cả trăm triệu đồng dẫn tới việc có nơi thừa tiền mà HSSV lại không được chăm sóc sức khỏe.
Học sinh được chăm sóc sức khỏe tại phòng y tế Trường TH Trung Tự, Hà Nội. |
Tuy nhiên, nhiều trường học lại cho rằng số tiền này không nhiều, hàng năm đều dùng hết, thậm chí là thiếu. Họ cũng khẳng định không có chuyện "tiền thừa mà học sinh không được chăm sóc sức khỏe".
Tại Trường TH Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội phòng y tế của trường khá sạch sẽ với hai giường bệnh. Danh mục các loại thuốc được kê gồm 30 loại khác nhau cùng các thiết bị khám mắt, răng,...cho học sinh. Ngoài ra trường còn trích số tiền CSSKBĐ cho mua thiết bị hấp sấy dụng cụ y tế, tủ lạnh trữ thuốc, mẫu thức ăn của học sinh.
|
Trang bị, tủ thuốc y tế của Trường TH Trung Tự với đầy đủ các danh mục cần thiết. |
Hàng năm trường có 2 ngày để khám sức khỏe đầu năm nhằm phát hiện các loại bệnh cho học sinh. Chưa kể việc thường xuyên chi cho công tác tập huấn, tuyên truyền về các dịch bệnh theo định kỳ và đột xuất và tranh ảnh cho các buổi học có liên quan về y tế.
Bà Nguyễn Anh Đào, người có 13 năm làm công tác y tế học đường của trường khẳng định: "Số tiền 7% trích lại cho nhà trường chỉ dừng lại ở mức tối thiểu để các trường chăm sóc sức khỏe cho học sinh chứ đừng nói đến thừa. Chỉ riêng tiền khám sức khỏe đầu năm đã hết 15.000 đồng/học sinh. Hàng ngày chúng tôi có gần 30 em cần đến phòng y tế. Trẻ tuổi này rất hiếu động, ốm đau sổ mũi rồi trầy xước, chảy máu tay chân liên tục.
Phòng y tế của nhiều trường học hiện nay khá khang trang, sạch sẽ. |
Các loại thuốc, trang bị cũng ở mức tối thiểu. Muốn mua loại tốt nhưng danh mục chi của BHXH không cho phép, kế toán không duyệt chi". Thậm chí có trường học sinh không may cũng phải thuê xe đưa học sinh đến các bệnh viện với chi phí không hề nhỏ
Tại Trường THCS Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuận cho biết nguồn trích 7% này của BHYT trường luôn dùng đủ. Vào đầu tháng 9 hàng năm trường có một đợt khám tổng quát, phân loại các bệnh thường gặp ở học sinh với chi phí khá lớn, từ 15.000 đồng-20.000 đồng/học sinh để phát hiện các bệnh về mắt, tim, tai mũi họng,...Bao quanh trường là các đường ống cống nên trường này hàng năm cũng tốn không nhỏ tiền chi cho dọn vệ sinh, phun thuốc muỗi. Thậm chí có năm trường phải bù thêm tiền để chi cho dọn ống cống, phun thuốc muỗi.
Bà Lê Thị Thu Hoài, cán bộ y tế của Trường TH Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội cũng cho biết ngoài các khoản trên hàng tháng trường đều có các đợt chăm sóc sức khỏe như vệ sinh răng miệng, tay chân, phòng chống thương tích cho học sinh. Các khoản tiền được trích lại chỉ ở mức đủ chi, không có kết dư. Mỗi ngày trường này cũng có gần 30 học sinh được thăm khám và chăm sóc tại phòng y tế.
Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ông Nguyễn Quốc Bình cũng khẳng định nếu có kết dư ở quỹ này thì đây cũng chỉ là con số nhỏ, lên đến cả trăm triệu đồng là không có.
Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết bên cạnh các danh mục được trang bị, phòng y tế của trường còn có thiết bị thanh thử kiểm tra học sinh có hút thuốc lá hay không
Dù không công khai nhưng theo các trường có muốn dùng số tiền từ quỹ này cho mục đích khác cũng không được vì kế toán trường cũng không duyệt, BHXH cũng không cho vì làm sai. Nếu nơi nào kết dư nhiều thì sang năm tiền trích lại cũng bị thu về kho bạc vì hoạt động không hiệu quả.
"Chỉ cần trường một vài em không đóng, thậm chí bố mẹ thuộc diện công an quân đội con được hưởng chế độ theo cũng phải báo cáo chi tiết với BHXH. Chậm nộp vài ngày, thiếu vài em là BHXH gọi chất vấn, hối thúc. Trong khi năm nay BHYT tăng chúng tôi chỉ được nhận thông báo, chưa bao giờ được hỏi ý kiến. Phụ huynh nhiều người có 2-3 con đi học năm nay bức xúc chỉ biết đến trường xả giận. Trường thì không muốn làm việc này chút nào vẫn đành phải giải thích, thuyết phục để phụ huynh thông cảm, đóng tiền" - một hiệu trưởng lên tiếng.
Nhiều trường học hiện cũng đang lúng túng không biết nên thu 3 tháng đến hết năm 2015 để phụ huynh bớt gánh nặng hay thu luôn một đợt để khỏi lắt nhắt hoặc quyền lợi học sinh bị ảnh hưởng khi hết hạn vẫn chưa đóng tiền. Có trường lại dừng hết các khoản thu khác, chỉ tập trung vào thu BHYT để phụ huynh khỏi bức xúc.
"Ngành Y tế có nhiều lý do để lý giải cho việc tăng tiền đóng BHYT nhưng tôi chưa thấy một phát ngôn nào cam kết chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, được nâng cao hơn cả. Nếu khẳng định như vậy và kiên quyết làm tôi tin mọi người sẽ ủng hộ" - một lãnh đạo khác lên tiếng.
-
Văn Chung