Thực hư chuyện MacBook Air M1 có thể sử dụng để đào tiền ảo - 1

Nói về đào tiền ảo (tiếng Anh là Cryptocurrency Mining), người ta hay liên tưởng đến các dàn máy tính chuyên dụng, hay còn gọi là những "máy cày" chuyên dụng, sử dụng card đồ họa tối tân, nhằm giải được những bài toán học mật mã đặc biệt phức tạp.

Tuy nhiên, không phải máy tính là công cụ duy nhất có thể khai thác tiền ảo. Thậm chí một số người đã tìm ra cách sử dụng máy tính cá nhân, hay thậm chí là smartphone để làm việc này.

Khan hiếm card đồ họa khiến "dân cày" tìm đến những giải pháp khác

Dựa theo nhiều báo cáo, kể từ nửa cuối năm 2020, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã xảy ra tình trạng thiếu hụt chưa từng có, trong đó nặng nề nhất là đối với chip GPU trên card đồ họa.

Mặt khác, các nhà sản xuất card đồ họa như NVIDIA lại hạn chế hiệu suất khai thác tiền ảo trên những sản phẩm của mình, nhằm đảm bảo nhu cầu cho người dùng máy tính phổ thông.

Trước thực trạng này, "dân cày" tiền ảo đã phải nghĩ theo những cách khác để duy trì hoạt động, và cũng mở ra những ý tưởng mới cho các nhà phát triển.

Trong đó, chiếc MacBook sử dụng chip M1 mới ra mắt của Apple đã trở thành tâm điểm của sự chú ý bởi hiệu năng mạnh mẽ mà nó mang lại. Gần đây, dòng sản phẩm này được cho là đã bị "bẻ khóa", để sử dụng nó như một công cụ khả thi để đào tiền ảo.

Theo trang tin Gizchina, Gu Yifan - một nhà phát triển phần mềm người Trung Quốc đã tìm ra cách để đào tiền ảo Ethereum trên MacBook dùng chip M1 của Apple, và chia sẻ mã nguồn mở trên cộng đồng GitHub.

Tuy nhiên trước nhiệm vụ nặng nề, MacBook Air M1 rõ ràng là vẫn chưa thể so sánh với những "máy cày" chuyên nghiệp.

Khai thác tiền ảo bằng MacBook M1 chỉ đáp ứng được nhu cầu của dân nghiệp dư

Thực hư chuyện MacBook Air M1 có thể sử dụng để đào tiền ảo - 2

Có hiệu năng ấn tượng, song MacBook M1 vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu đào tiền ảo của dân chuyên nghiệp.

Tháng 11/2020, Apple đã chính thức giới thiệu dòng chip Apple Silicon dựa trên cấu trúc ARM với tên gọi Apple M1. Đây chính là dấu mốc đánh dấu cho sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của công ty khi làm chủ hoàn toàn cấu trúc phần cứng của dòng Macbook như những gì họ đã làm với iPhone, iPad, Apple Watch và các sản phẩm khác của mình.

Dựa trên tiến trình 5 nm mới nhất, được trang bị tới 16 tỉ bóng bán dẫn, chip M1 được nhiều trang công nghệ uy tín đánh giá là mạnh nhất mà Apple từng thiết kế cho Macbook. Cụ thể, nó mang đến hiệu suất CPU nhanh hơn 3.5 lần, hiệu suất GPU nhanh hơn 6 lần và máy học nhanh hơn tới 15 lần. Đồng thời cho phép thời lượng pin nhiều hơn tới 2 lần so với máy Macbook thế hệ trước.

Tuy nhiên theo Gu Yifan, hiệu suất khai thác tiền ảo của M1 MacBook Air đáp ứng là rất trung bình, với việc chỉ cung cấp 2MH/s và tiêu thụ điện năng khoảng 17-20 watt. Nhà phát triển đánh này giá nó chỉ phù hợp với những người mới làm quen và những người mới bắt đầu, với thu nhập trung bình mỗi ngày khoảng 0,14 USD.

Mặc dù việc sử dụng chip M1 trên MacBook hoàn toàn đứng sau lõi chuyên dụng CMP của NVIDIA, nhưng một số chuyên gia đánh giá rằng nó có thể mở ra một hướng đi mới cho việc khai thác tiền ảo dựa trên những thiết bị bán chuyên.

Đáng lưu ý, đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm biến bộ vi xử lý M1 trở thành phương án khả thi để khai thác tiền ảo. Vào tháng 12 năm ngoái, các nhà phát triển XMRig được cho là đã cố gắng khai thác tiền ảo Monero với MacBook Air M1, nhưng không thành công.

(Theo Dân Trí, Gizchina)

 

Máy tính tại Việt Nam bị lợi dụng đào tiền mã hoá

Máy tính tại Việt Nam bị lợi dụng đào tiền mã hoá

Nhiều máy tính của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam bị hack, trở thành công cụ khai thác tiền mã hoá.