Theo UBND tỉnh Phú Yên, các tháng đầu năm 2023, nắng nóng, hạn hán cục bộ xảy ra tại các địa phương và gay gắt hơn năm 2022. Dự báo từ nay đến tháng 12/2023, sẽ có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, có khoảng 3 - 5 cơn và tác động chủ yếu đến khu vực Trung Bộ.
Khả năng khu vực tỉnh Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp từ 1 - 2 cơn. Đỉnh lũ các sông trên địa bàn tỉnh đạt mức báo động 2 - 3, có sông trên mức báo động 3, các sông suối nhỏ có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị và ven sông.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai (hạn hán, bão, lũ, ngập lụt, triều cường, sạt lở đất…) trong các tháng cuối năm 2023, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, thủy điện trong mùa mưa, lũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tiếp tục thực hiện các kế hoạch được UBND tỉnh đã ban hành về phòng, chống thiên tai; ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển; sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi, thủy điện; xả lũ, xâm nhập mặn, hạn hán diện rộng, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, nước biển dâng và các sự cố thiên tai.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” để chủ động phòng tránh - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương có hiệu quả; Chủ động chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh và phương án tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, thủy điện trong mùa mưa, lũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống hồ đập, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc... xác định các khu vực trọng điểm, xung yếu, khu vực ven sông, suối, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn.
Các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, các công trình khác ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc cần được kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng.
Công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai cần được tăng cường hơn nữa, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi biết, chủ động sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó trước các tình huống bất thường, cực đoan thiên tai.
Để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, tỉnh yêu cầu các địa phương Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng phân công phân nhiệm chi tiết cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện; Chủ đầu tư xây dựng các công trình; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh liên quan... liên quan đến việc phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai các tháng cuối năm 2023.