Những sinh hoạt văn hoá dân gian rất đặc trưng của người Cao Lan

Người Cao Lan ở Tuyên Quang có khoảng 14.299 hộ với 62.695 khẩu, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang. Truyền thống văn hóa của người Cao Lan đã có từ lâu đời, trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa Việt Nam.

Quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Cao Lan có sự chọn lọc, kế thừa, tiếp thu những yếu tố tiến bộ của các tộc người khác, đồng thời cũng bị ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực dẫn tới bị mai một.

Trong bối cảnh hiện nay, do tác động của nền kinh tế, sự hội nhập quốc tế của đất nước, những giá trị văn hóa của người Cao Lan nói riêng, của các dân tộc thiểu số nói chung đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là rất cần thiết.

Người Cao Lan có tục thờ thần thành hoàng. Tuy nhiên, mỗi dòng họ người Cao Lan thực hành một hình thức tín ngưỡng riêng của mình, nhất là tín ngưỡng thờ ma ham. Tục thờ ma ham của từng dòng họ, nhành họ, chi họ của người Cao Lan đều có những truyền tích riêng biệt, làm phong phú và đa dạng thêm kho tàng văn hóa dân gian.

Việc cưới xin của con trai, con gái người Cao Lan bắt buộc phải thông qua người làm mối. Người mối có vai trò như cha mẹ và còn là người hoà giải khi có chuyện xích mích xảy ra trong gia đình đôi vợ chồng. Ngược lại đôi vợ chồng phải có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng người làm mối khi họ già cả, họ chết phải để tang như để tang cha mẹ đẻ của mình.

Đám cưới của người Cao Lan không đơn thuần chỉ là sự chứng kiến lễ thức hợp hôn của đôi trai gái mà ở đó nó còn diễn ra những sinh hoạt văn hoá dân gian rất đặc trưng của người Cao Lan, những quan niệm, tín ngưỡng biểu hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Hát "sình ca" trong đám cưới là nét văn hoá truyền thống quý hiếm cần được gìn giữ.

caolan.png
Ảnh minh hoạ

Tang ma là một việc hệ trọng của người Cao Lan, gia đình nào có người chết đều phải thực hiện những nghi lễ rất phức tạp. Thầy cúng sẽ là người điều khiển toàn bộ công việc cho gia đình người có tang; xem tuổi người chết để chọn giờ khâm liệm, giờ chuyển quan tài và giờ an táng, xem giờ người chết có trùng với giờ sinh của người thân trong gia đình.

Dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu

Trong những năm qua, cùng với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc Cao Lan luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, MTTQ phát động; chấp hành nghiêm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Cùng với sự phát triển của xã hội, đồng bào dân tộc Cao Lan tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang phù hợp với tình hình thực tế: Trước đây quan tài để một tuần, thậm chí có nơi để đến 10 ngày nhưng hiện tại để trong nhà ít nhất là 2 ngày; trước đây con cháu của gia đình phải nằm sấp nối nhau, đầu quay vào nhà để làm phép giữ người thân ở lại, quan tài sẽ khiêng qua bên trên, nhưng hiện nay, người ta chỉ cần sắp thành 2 hàng, đầu hàng là các con cả, thứ, hoặc người thân gần nhất, 2 người ở đầu hàng cầm đèn, quan tài được khiêng qua giữa 2 hàng con cháu để ra khỏi cửa.

Sau khi ra khỏi cửa, con trai sẽ đi giật lùi trước quan tài, con gái đi sau quan tài cho đến khi quan tài được đưa ra đến huyệt. Sau khi chôn người chết, thường sau vài ngày, có nơi không có điều kiện thì để hàng năm sau mới làm lễ cấp "nhà xe" cho người chết. Việc kết hôn của nam nữ Cao Lan còn phải xem "lá số" của 2 người. Nếu hợp mới được lấy còn không thì phải tìm người khác. Trước đây con trai Cao Lan phải ở rể, thời gian khoảng 3 năm, đến khi cô dâu có con mới chuyển về nhà chồng. Hiện tục này vẫn còn nhưng thời gian ở rể chỉ khoảng từ 1 đến 3 tuần.

Những kinh nghiệm quý, cách làm hay

Toạ đàm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc Cao Lan tổ chức mới đây được xem là dịp để các đại biểu dân tộc Cao Lan trao đổi những kinh nghiệm quý, cách làm hay, những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống trong việc cưới, việc tang trên địa bàn; động viên, khuyến khích các đại biểu thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để từ đó đưa ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả nhằm góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các nghi lễ của dân tộc Cao Lan trên địa bàn tỉnh tuy đã được rút ngắn về thời gian nhưng vẫn tốn kém nhiều chi phí tiền bạc và đồ lễ; vẫn tồn tại nhiều thủ tục rườm ra như: việc làm nhà xe thời gian từ 5- 9 ngày, mời từ 20-25 thầy làm nhà xe, số tiền từ 80-120 triệu đồng.

Sau 30 ngày chôn cất, gia đình người mất đón thầy cúng bỏ tang, làm 10-15 mâm cơm mời người thân... những hủ tục trên gây tốn kém về thời gian, tiền của ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế gia đình nhất là đối với các hộ nghèo, cận nghèo, ảnh hưởng tới việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Ông Nguyễn Hưng Vượng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ đề nghị, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên, đặc biệt là người thực hành tín ngưỡng tâm linh, người uy tín; trú trọng xây dựng các câu lạc bộ, các mô hình thực sự hiệu quả, không hình thức; tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang để phù hợp với tình hình thực tế; phát huy vai trò của người có uy tín, những người thực hành tín ngưỡng tâm linh trong công tác vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.

Nguyễn Hằng, và nhóm PV, BTV