Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 132/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung một số nhiệm vụ như: xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của ngành nông nghiệp và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025; quán triệt, tổ chức triển khai các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 45/NQ-CP của Chính phủ.

{keywords}
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nguyên tắc là việc gì doanh nghiệp, người dân làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp, người dân làm, việc gì địa phương làm được và làm tốt hơn thì để địa phương làm, Bộ tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu và thúc đẩy sản xuất lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổng kết, sơ kết để xây dựng lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bám sát thực tiễn, nhu cầu thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, cách làm hay để góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế; đổi mới công tác khuyến nông, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường, coi trọng thị trường nội địa, đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản.

Nguyễn Thảo